Những ngày qua, cả nước bước vào chuỗi ngày nắng nóng gay gắt, nhất là thời điểm từ 10 giờ trưa đến 3 giờ chiều. Để giải nhiệt và giữ nước cho cơ thể, ngoài uống đủ 1,5 - 2l nước/ngày, nhiều người còn lựa chọn uống thêm các loại nước như nước dừa, nước mía. Đây là loại nước từ 2 loại cây có sẵn, được trồng nhiều trên khắp đất nước ta, giá lại rẻ.
Ảnh minh họa
Theo Lương y Bùi Đắc Sáng - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, nước mía có đường tự nhiên, giúp cơ thể có năng lượng, giảm mệt mỏi sau vận động hoặc thời tiết nắng nóng. Nước mía cũng giàu dinh dưỡng như can xi, đồng, magie, mangan, kali, vitamin A, C, B1, B2, B3, B5, B6 và chất xơ hòa tan khác. Tuy nhiên, một ly nước mía (240 ml) cung cấp cho cơ thể khoảng 183 calo, 50 gram đường nên rất ngọt.
Đối với người bình thường, uống nhiều dễ dẫn đến tăng cân. Người có bệnh nền như tiểu đường, mỡ máu, gout cần hạn chế. Mẹ bầu không nên uống quá nhiều làm tăng nguy cơ tiểu đường. Nếu đang sử dụng các loại thuốc như thuốc bổ sung, chống đông máu, không nên uống. Uống nước mía vỉa hè có nguy cơ nhiễm khuẩn, từ khâu vệ sinh cây mía, máy ép, cốc đựng...
Còn nước dừa là thức uống giải nhiệt hiệu quả, cung cấp điện giải, bổ sung nước, cân bằng nước trong cơ thể, giúp đẹp da. Những người bị mất nước do tiêu chảy, nôn ói, say nắng nên uống nước dừa để bù dưỡng chất hiệu quả. Một cốc nước dừa 240 ml cung cấp khoảng 46 calo, 10g đường tự nhiên, ít protein và không có chất béo.
Tuy nhiên, nước dừa rất giàu kali, uống quá nhiều có thể làm giảm huyết áp, mất cân bằng điện giải, gây các vấn đề về thận. Người có lượng kali cao trong máu, mắc bệnh thận không nên uống. Người tiểu đường thường rối loạn dung nạp đường máu, cũng không nên uống nhiều nước dừa.
"Bạn có thể uống thức uống mà mình yêu thích, nhưng không nên lạm dụng uống nước mía hay nước dừa mỗi ngày, thay cho nước lọc. Nên luân phiên thay đổi bằng các nước hoa quả khác nhau như cam, ổi, chanh leo, dưa hấu... và nên ưu tiên nước lọc", Lương y Bùi Đắc Sáng cho hay.
Thúy Ngà