Sáng 15/8, tại TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức hội nghị tập huấn “Nâng cao kỹ năng tuyên truyền, phổ biến chống rác thải nhựa, hướng tới sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường”.
Tham dự hội nghị có ông Đoàn Trường Giang-Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường cùng 150 tuyên truyền viên, báo cáo viên, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường phát biểu khai mạc hội nghị tại Đắk Lắk.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Đoàn Trường Giang, Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường cho biết, tại Việt Nam, có tới 40% nguồn rác thải nhựa được sản xuất dùng để đóng gói; hầu hết các loại nhựa là không phân hủy và phải mất hàng trăm năm, đến cả nghìn năm để phân hủy.
Tình trạng sử dụng sản phẩm nhựa tăng từ 3,8 kg/người vào năm 1990 lên 81 kg/người vào năm 2020. Năm 2021, rác thải nhựa trong cả nước ở mức bình quân 8.021 tấn/ngày, trong khi thu gom chỉ đạt 6.581 tấn/ngày, bằng 82%. Vì vậy, rác thải nhựa còn trôi nổi gây tác động tiêu cực đến môi trường còn rất lớn.
TS. Trần Bá Dung, nguyên Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam truyền đạt chuyên đề Vai trò báo chí và giải pháp truyền thông chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.
Trong 2 ngày 15 và 16/8, hội nghị truyền đạt, trao đổi về vai trò của công tác truyền thông của báo chí và tuyên truyền viên tài nguyên và môi trường trong nâng cao nhận thức cộng đồng đối với tác hại của việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông, qua đó đẩy mạnh phong trào chống rác thải nhựa để bảo vệ môi trường.
Cùng với đó là các giải pháp tăng cường, nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông về việc thay đổi thói quen, hành vi nhà sản xuất và người tiêu dùng trong việc giảm thiểu, hạn chế, tái sử dụng, tái chế và dần tiến tới loại bỏ hoàn toàn túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần.
Các đại biểu tham dự hội nghị tập huấn.
Kể từ khi được phát minh đến nay, các sản phẩm bằng nhựa và túi nilon đã trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt, trở thành những vật dụng phổ biến trong sinh hoạt hàng ngày của con người. Với sự tiện dụng, bền chắc, chịu được các hiện tượng thời tiết và giá thành thấp; nhựa và túi nilon được sử dụng ở hầu hết mọi nơi, từ các siêu thị, trung tâm thương mại đến các khu chợ buôn bán nhỏ lẻ, hộ gia đình và trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề sản xuất - dịch vụ. Sự ra đời của các sản phẩm từ nhựa và nilon mang lại các tiện ích cho đời sống con người, nhưng nó chính là tác nhân ảnh hưởng lớn đến ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người.
Ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa hiện đang là một trong những vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Theo Chương trình môi trường Liên Hợp quốc, hàng năm, trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó được thiết kế để chỉ sử dụng một lần; trong số đó, ít hơn 10% được tái chế. Ước tính có khoảng 19-23 triệu tấn được thải ra hồ, sông và biển mỗi năm.
Tại Việt Nam, trong số khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường mỗi năm chỉ có khoảng 27% được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Riêng ở TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội, số lượng rác thải nhựa thải ra môi trường lên đến 80 tấn/ngày.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chiến lược để giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường, trong đó các giải pháp về truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng đã được triển khai trên diện rộng, nhiều mô hình, sáng kiến xử lý rác thải nhựa đã ra đời và áp dụng có hiệu quả trong đời sống, cùng hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn, hài hòa với thiên nhiên và gìn giữ tương lai cho thế hệ sau này.
Các đại biểu và tuyên truyền viên, báo cáo viên, phóng viên, biên tập viên đã đến đưa tin về thực trạng ô nhiễm chất thải nhựa.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt nhiều năm qua trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, môi trường, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lan tỏa nhiều giải pháp, hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và phòng, chống rác thải nhựa nói riêng trên cả nước.
Nhằm tiếp tục hành động, duy trì và tăng cường các hoạt động phòng chống rác thải nhựa, năm 2024, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường tổ chức chuỗi các hội nghị tập huấn tại 3 miền Bắc, Trung, Nam cho mạng lưới tuyên truyền viên, phóng viên, biên tập viên các cơ quan truyền thông, báo chí.
Hữu Phúc
Nguồn kinhtemoitruong.vn
Link bài gốchttps://kinhtemoitruong.vn/nang-cao-ky-nang-tuyen-truyen-pho-bien-chong-rac-thai-nhua-91799.html