Luật mới sẽ cho phép một số dự án nhà máy bán dẫn của bỏ qua quy định đánh giá của Đạo luật Chính sách Môi trường Quốc gia (NEPA).
Theo đó, những người ủng hộ quyết định mới của Chính phủ Mỹ lập luận rằng đánh giá theo Đạo luật Chính sách Môi trường Quốc gia (NEPA) có thể trì hoãn các dự án. Điều này làm chậm khả năng mở rộng năng lực sản xuất chip của Mỹ.
Trong khi đó, các dự án khi đã được nhận tài trợ theo Đạo luật CHIPS & Khoa học, vốn đã tuân thủ các quy định về môi trường hiện hành của các liên bang, tiểu bang và địa phương.
Tuy nhiên, một số khác phản đối đạo luật này, lập luận rằng các đợt đánh giá thêm của NEPA rất quan trọng để đảm bảo những vấn đề như an toàn cho người lao động và cộng đồng có khả năng tiếp xúc với các vật liệu nguy hiểm được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn.
Một số đảng viên Dân chủ và các nhóm môi trường đang thúc giục Tổng thống Joe Biden bác bỏ dự luật. Đảng viên Dân chủ, Zoe Lofgren cho biết bà hy vọng Tổng thống Joe Biden sẽ phủ quyết dự luật này. "Tôi nghĩ đó là một sai lầm", bà nói.
Bà Lofgren cho biết ngành công nghiệp chip đã có "những bước tiến lớn" và bà ủng hộ sự phát triển hơn nữa của ngành này tại Mỹ. Nhưng bà lo ngại rằng dự luật sẽ dẫn đến những hệ quả lâu dài với môi trường. Bà Lofgren cho biết: "Hy vọng rằng sẽ không có lúc nào chúng ta nhìn lại và hối tiếc về nỗ lực này".
Theo New York Times, luật mới được đưa ra nhằm mục đích đơn giản hóa quy trình đánh giá phê duyệt dự án nhà máy bán dẫn, cho phép Bộ Thương mại Mỹ dựa vào các nghiên cứu môi trường trước đó, các tài liệu kế hoạch và các quyết định của chính quyền liên bang, tiểu bang miễn là các nghiên cứu này đáp ứng các tiêu chuẩn để thay cho các đánh giá nhằm hạn chế việc trùng lặp các nỗ lực không cần thiết.
Nhà Trắng đảm bảo các nhà máy được miễn trừ đánh giá sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn sinh thái quan trọng, bao gồm nước sạch, chất lượng không khí và bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Hạ viện đã thông qua dự luật vào tuần trước và Thượng viện đã nhất trí thông qua vào tháng 12.
Hiện nay, chỉ có khoảng 10% chất bán dẫn của thế giới hiện được sản xuất tại Mỹ, giảm mạnh so với khoảng 37% vào năm 1990. Tăng sản lượng chip là mục tiêu chiến lược cạnh quan trọng của Tổng thống Mỹ, chủ yếu tập trung vào việc thúc đẩy sản xuất của Mỹ và đưa các công đoạn sản xuất chip trở lại thị trường nước này.
Gina Raimondo, Bộ trưởng thương mại, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC đây là một “dự luật quan trọng” cho phép các công ty xây dựng nhanh hơn các cơ sở sản xuất chất bán dẫn và tăng cường sản xuất chip trên đất Mỹ.
“Tất nhiên, chúng tôi rất quan tâm đến không khí sạch, nước sạch và môi trường”, bà Raimondo nói thêm. “Mặc dù vậy, đây là một mệnh lệnh an ninh quốc gia. Chúng ta phải hành động khẩn trương và thực hiện càng nhanh càng tốt”.
Người phát ngôn của Bộ Thương mại cho biết cũng sẽ làm việc để đảm bảo rằng các dự án "duy trì các cam kết về an toàn và môi trường".
Thượng nghị sĩ Mark Kelly của đảng Dân chủ và là đồng tác giả của dự luật, cho biết dự luật này sẽ giúp ngăn chặn "sự chậm trễ không cần thiết" trong việc xây dựng năng lực sản xuất chip của đất nước.
Ông Kelly nói thêm rằng dự luật "không phải là sự đảo ngược của bất kỳ luật môi trường nào" và các dự án vẫn phải tuân thủ các luật bảo vệ môi trường cơ bản, chẳng hạn như Đạo luật Không khí Sạch và Đạo luật Nước Sạch.
“Toàn bộ kế hoạch đằng sau luật này là để đảm bảo rằng Đạo luật CHIPS và Khoa học có tác động tối đa đến nền kinh tế và an ninh quốc gia”, ông Kelly cho biết.
Ông Kelly cũng cho biết dự luật đã được điều chỉnh chặt chẽ. Dự luật sẽ miễn cho các dự án khỏi quá trình đánh giá NEPA nếu các dự án đã bắt đầu xây dựng vào cuối năm hoặc nếu hỗ trợ tài chính của liên bang không chiếm quá 10% tổng chi phí của dự án. Các dự án chỉ nhận được các khoản vay của liên bang, thay vì trợ cấp, cũng sẽ được miễn.
Nguồn vneconomy.vn
Link bài gốchttps://vneconomy.vn/my-sap-mien-tru-danh-gia-moi-truong-cho-nha-may-ban-dan-de-day-nhanh-nang-luc-san-xuat-chip.htm