Thực hiện “phủ xanh đồi trọc” ý nghĩa và hành động thiết thực
Mường Lát là huyện vùng cao biên giới giáp với nước Lào, có tổng diện tích tự nhiên là 81.240,93 ha trong đó đất nông nghiệp 77.603,53 ha, chiếm 95,52% diện tích tự nhiên của toàn huyện, với 74.784,16 ha đất lâm nghiệp. Có diện tích đất rừng phòng hộ là 20.282,62 ha; rừng đặc dụng: 5.728,30 ha; rừng sản xuất: 48.773,24ha.
Để giảm thiểu nguy cơ lũ lụt, hạn hán, sạt lở đất xảy ra, tạo môi trường sống cho động, thực vật và phát triển kinh tế địa phương, hàng năm UBND huyện Mường Lát đều nghiên cứu tìm ra các giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây để “phủ xanh đồi trọc” . Trong năm 2024, huyện Mường Lát đã lựa chọn loài cây măng tre bát độ, cây hồi ghép để trồng Rừng tập trung với tổng diện tích là 394,34 ha/200ha, đạt 197,17% kế hoạch. Trong đó: trồng Rừng sản xuất từ nguồn vốn hỗ trợ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 204,74 ha ở xã Mường Lý, Trung Lý, Nhi Sơn, Quang Chiểu, Mường Chanh.
Để trồng Rừng sản xuất theo hình thức đầu tư liên kết; Rừng sản xuất từ nguồn vốn xã hội hóa; Rừng phòng hộ từ nguồn vốn ủy thác trồng rừng thay thế tại các xã Mường Lý; Pù Nhi, Nhi Sơn, Trung Lý và thị trấn Mường Lát đạt hiệu quả cao, huyện đã chọn loài cây Giang, Măng Bát độ, cây trẩu, hỗn giao Chẩu và Tếch để trồng, đây đều là những loài cây sinh trưởng tốt và đạt kết quả nghiệm thu cao.
Ngoài ra, cây sắn cũng là một loài cây được huyện Mường Lát lựa chọn vì nó mang lại giá trị năng suất cây trồng cao, gia tăng mức thu nhập người dân miền núi. Năm 2024 với tổng diện tích trồng sắn trên địa bàn huyện là 3.062,91/3.000 ha, năng xuất ước đạt 20,11 tấn/ha, sản lượng ước khoảng trên 60.000 tấn. Lượng sắn sau khi được người dân thu hoạch cũng đã có công ty, doanh nghiệp trên địa bàn thu mua, giúp người dân ổn đình đầu ra, giải quyết tình trạng ứ đọng sản phẩm khi thu hoạch, tạo cơ hội cho bản làng phát triển.
huyện Mường Lát tăng cường công tác "phủ xanh đồi trọc"
Bên cạnh chú trọng về trồng cây “phủ xanh đồi trọc” để bảo vệ ‘lá phổi xanh’ vùng biên vùng giới, giúp giữ vững tình hình an ninh quốc phòng, huyện Mường Lát cũng luôn có những phương án, hành động cụ thể để thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng cháy chữa cháy rừng (PCCR). Duy trì chế độ tuần tra, canh gác lửa rừng và trực chỉ huy PCCCR từ huyện đến cơ sở khi có dự báo cháy rừng từ cấp III trở lên, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, dụng cụ, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ để ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng xảy ra. Vì thế ngày càng hạn chế được việc xảy ra cháy rừng trên địa bàn.
Người dân được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng
Thực hiện Nghị quyết số 03/2023/NQ-HĐND ngày 24/3/2023 của HĐND tỉnh Thanh Hoá về công tác hỗ trợ gạo cho các hộ gia đình tham gia bảo vệ và phát triển rừng, 09 tháng đầu năm 2024 UBND huyện Mường Lát đã hỗ trợ 2.866.535kg gạo và 54.784.582.000 đồng cho 57.710 lượt hộ/246.208 lượt khẩu trên địa bàn.
Ngoài ra, huyện Mường Lát cũng đã chi trả cho người dân về số tiền số hỗ trợ phát thải nhà kính (ERPA), tiền dịch vụ môi trường rừng, bảo vệ rừng thực hiện theo Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Công tác thực hiện các chính sách hỗ trợ cho bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng mục tiêu, đúng đối tượng.
Với những nỗ lực và cố gắng của chính quyền và nhân dân huyện Mường Lát trong công tác bảo vệ và phát triển rừng đã và đang mang lại cho người dân nơi đây một môi trường sống trong lành, sạch đẹp, giảm thiểu biến đổi khí hậu, đời sống ngày được nâng cao.
Kim Nguyên
Nguồn congnghiepmoitruong.vn
Link bài gốchttps://congnghiepmoitruong.vn/muong-lat-thanh-hoa-no-luc-bao-ve-la-phoi-xanh-vung-bien-gioi-15100.html