Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's ngày 8-11 đã hạ triển vọng nợ của nước Anh xuống mức "tiêu cực", viện dẫn những thách thức gia tăng trong chính sách của nước này liên quan đến tiến trình Brexit.
Theo đó, Moody's đã hạ triển vọng nợ của nước Anh từ mức "ổn định" xuống "tiêu cực", song vẫn giữ mức xếp hạng Aa2 đối với nợ của nước này. Hồi tháng 2, hãng xếp hạng Fitch cũng đã có động thái tương tự khi đưa nợ công của nước này vào diện "tiêu cực".
Lý giải quyết định trên, Moody's chỉ rõ tình trạng tê liệt bao trùm tiến trình hoạch định chính sách trong bối cảnh diễn ra các cuộc thảo luận về Brexit, và London gặp khó khăn khi đối phó với những thách thức liên quan đến vấn đề này. Bên cạnh đó, tình hình tài chính và kinh tế của Anh trong thời gian tới dường như yếu ớt hơn và dễ bị "sốc" hơn so với trước.
Sự bất đồng trên chính trường Anh liên quan đến thỏa thuận Brexit đã buộc nước Anh phải ba lần yêu cầu Liên minh châu Âu trì hoãn Brexit trong năm nay và mới đây EU đã ấn định ngày 31-1-2020 là hạn chót diễn ra Brexit. Hiện, Thủ tướng Anh Boris Johnson hy vọng cuộc tổng tuyển cử diễn ra ngày 12-12 tới sẽ giúp ông giành thế đa số tại Hạ viện, qua đó cho phép nhà lãnh đạo Anh dễ dàng thúc đẩy thỏa thuận Brexit và nhanh chóng hoàn tất tiến trình Anh rời khỏi EU.
Theo Moody's, về dài hạn, tình trạng yếu kém về thể chế có thể gây ảnh hưởng đến sức mạnh kinh tế của nước Anh, xuất phát từ sự tác động đối với hoạt động đầu tư về khí hậu và thị trường lao động nước ngoài tại Anh.
Moody's cho biết, trong những năm qua, kinh tế Anh đã phải hứng chịu sự tác động tiêu cực, và nhiều khả năng sự ảnh hưởng này vẫn tồn tại ngay cả khi diễn ra tiến trình Brexit, trong khi những bất ổn không có dấu hiệu biến mất trong quá trình đàm phán thương mại sắp tới giữa London với EU và nhiều nước khác.
Moody's dự báo nước Anh tiếp tục đối mặt với tình trạng nợ công cao và tình hình này dường như không thay đổi trong vòng 3-4 năm tới. Moody's cảnh báo số nợ công 1.800 tỷ bảng (2.300 tỷ USD) của nước Anh, tương đương hơn 80% GDP, có nguy cơ sẽ tăng và nền kinh tế có thể nhạy cảm hơn trước các cú sốc so với trước.