Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trưa nay (10/7), ở vùng biển giữa Biển Đông, khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và vịnh Thái Lan đang có mưa rào và dông rải rác.
Dự báo, chiều và đêm 10/7, ở vùng biển giữa Biển Đông, khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan tiếp tục có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7, đề phòng độ cao sóng có lúc tăng lên hơn 2m.
Cảnh báo, toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió giật mạnh và sóng lớn.
Biển Đông có thể sắp đón bão.
Sáng nay 10/7, Trung tâm Dự báo thời tiết hạn vừa châu Âu (ECMWF) và Hệ thống Dự báo toàn cầu (GFS) thuộc Trung tâm Dự báo môi trường Hoa Kỳ đều đồng nhất về dự báo sắp có cơn bão số 2 hoặc áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông.
Theo mô hình của 2 cơ quan này thì bão hoặc áp thấp nhiệt đới sẽ xuất hiện ngay trên Biển Đông trong khoảng 5 ngày tới. Bước đầu, các cơ quan này nhận định cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới này có thể đi vào đất liền Việt Nam, vị trí đổ bộ có thể là khu vực từ Quảng Bình đến Bình Định, trọng tâm có thể từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.
Theo mô hình dự báo của châu Âu thì nếu phát triển thành bão chỉ đạt cường độ trung bình (cấp 8), nhưng mô hình của Hoa Kỳ lại dự báo đạt cấp 13.
Tuy nhiên, đây chỉ là những dự báo sơ bộ, thực tế có thể sai hoặc thay đổi. Trước đó, tuần giữa tháng 6, các cơ quan này cũng có mô hình dự báo sắp có áp thấp hình thành bão trên Biển Đông, nhưng sau đó rãnh thấp đã không phát triển thành vùng thấp hoặc áp thấp nhiệt đới như dự báo.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 7 đến tháng 9, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 5-7 cơn bão/áp thấp nhiệt đới; trong đó có khoảng 2-3 cơn đổ bộ vào đất liền (số lượng bão/áp thấp nhiệt đới trung bình nhiều năm trên Biển Đông trong thời gian này là từ 6-7 cơn, trung bình nhiều năm đổ bộ vào Việt Nam khoảng 3 cơn). Đề phòng khả năng bão/áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông.
Nguồn suckhoedoisong.vn
Link bài gốchttps://suckhoedoisong.vn/mo-hinh-quoc-te-du-bao-bien-dong-co-the-sap-don-bao-169240710110830223.htm