Vào tháng 12.2019, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) Việt Nam ký kết thỏa thuận tham gia chương trình An ninh Chính phủ của Tập đoàn Microsoft, được cung cấp các khóa đào tạo và cập nhật về mối đe dọa mạng do công ty này biên soạn từ khắp nơi trên thế giới.
Theo thỏa thuận, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ chính thức trở thành một thành viên của chương trình An ninh Chính phủ của Microsoft cùng với hơn 90 cơ quan đại diện chính phủ, tổ chức quốc tế của hơn 45 nước trên thế giới. Chương trình này được hình thành trên mục tiêu xây dựng niềm tin qua tính minh bạch, bằng cách cho phép chính phủ và các tổ chức quốc tế sử dụng công nghệ của Microsoft để bảo vệ bộ máy chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
Hôm nay (10.9.2020), Microsoft đã tiết lộ tên của hàng chục công ty tham gia chương trình, trong đó có Vietnam Airlines, Sabeco và Petrolimex
"Sức mạnh của điện toán đám mây, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo đã tỏ ra hiệu quả không chỉ trong lĩnh vực bảo mật. Các doanh nghiệp nên bắt đầu nghiên cứu và ứng dụng những công nghệ này để tăng trưởng hiệu quả và an toàn hơn", ông Phạm Thế Trường, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam, phát biểu tại sự kiện ở Hà Nội.
Theo trang Nikkei, Microsoft cung cấp cho các cơ quan chức năng Việt Nam trung bình 3GB dữ liệu mỗi ngày về các mối đe dọa phần mềm độc hại trong nước và các vấn đề bảo mật khác kể từ khi chương trình bắt đầu. Microsoft cho biết Việt Nam có tỷ lệ lây nhiễm ransomware (mã độc tống tiền) cao nhất châu Á vào năm 2019, đưa ra báo cáo mới nhất về bối cảnh không gian mạng của đất nước.
Đại gia công nghệ Mỹ thông báo số lượng các cuộc tấn công drive-by, liên quan đến việc tội phạm gieo mã độc từ xa trên các thiết bị không an toàn, ở Việt Nam cao gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu.
Các nhà phân tích cho rằng mối quan hệ đối tác cho phép Việt Nam truy cập mã nguồn và thông tin tình báo về mối đe dọa của Microsoft, mang lại cho công ty Mỹ cơ hội kiếm được các hợp đồng cho dịch vụ điện toán đám mây, chống virus và dịch vụ khác.
Theo nhà nghiên cứu IDC, Đông Nam Á là thị trường phát triển nhanh nhất thế giới về dịch vụ đám mây và ước tính trị giá 76 tỉ USD vào năm 2023. Microsoft là một trong nhiều công ty Mỹ đang đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam.
Sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ đã chuyển sang cả dịch vụ đám mây. Tất cả các dịch vụ lớn của hai nước đang tăng đầu tư ở Đông Nam Á, trong đó Alibaba Cloud của Trung Quốc tuyên bố có nhiều trung tâm dữ liệu nhất, còn Amazon Web Services của Mỹ thu về nhiều doanh thu nhất.
Thế nhưng, Microsoft có lợi thế là người đi đầu ở Việt Nam khi đến đất nước chúng ta từ năm 1992.
Dù hợp tác với Microsoft, Việt Nam vẫn khuyến khích các công ty trong nước xây dựng thêm cơ sở hạ tầng đám mây của riêng mình để giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.
Ngày 22.5 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức “Lễ phát động chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số bằng nền tảng điện toán đám mây Việt Nam" với sự tham gia của 11 doanh nghiệp điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu trong nước. Mục đích thúc đẩy xây dựng một hệ sinh thái các doanh nghiệp điện toán đám mây Việt Nam làm chủ công nghệ, cung cấp hạ tầng và dịch vụ điện toán đám mây đạt chuẩn để từ đó hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước chuyển đổi số, phục hồi tốt hơn trong giai đoạn này.
Phát biểu tại sự kiện hôm đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp trong nước đã làm chủ hạ tầng viễn thông. Chúng ta phải làm được điều tương tự với hạ tầng số. Hạ tầng số về cơ bản là hạ tầng viễn thông kết hợp với điện toán đám mây, do đó phát triển nền tảng điện toán đám mây đặc biệt quan trọng. Những doanh nghiệp tham gia Lễ phát động hôm nay đã đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ TT&TT ban hành về dịch vụ điện toán đám mây. Việt Nam là một trong những nước sớm ban hành Bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá dịch vụ điện toán đám mây. Hy vọng sau đây sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp Việt Nam phát triển, cung cấp dịch vụ điện toán đám mây đạt chuẩn. Sự kiện hôm nay cũng là bước chuẩn bị để đón nhận Đề án hạ tầng chuyển đổi số quốc gia sắp được Thủ tướng ký ban hành.”
VNG Cloud, Viettel, CMC và VCCorp là bốn doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn trên, đồng thời cũng lực lượng nòng cốt tham gia chiến dịch do Bộ TT&TT phát động.
Ông Benjamin Yap, đối tác cấp cao của công ty luật RHTLaw Việt Nam, cho biết sự hợp tác mới nhất sẽ giúp Microsoft chuyển trọng tâm từ phần cứng sang dịch vụ kỹ thuật số. Theo Benjamin Yap, Microsoft đang hướng sự tập trung vào châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á.
Các quan chức nói rằng an ninh tốt hơn sẽ thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số. "Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển thương mại điện tử và công nghệ thông tin, nhưng vấn đề an ninh mạng cũng là một thách thức lớn", đại tá Nguyễn Ngọc Cường, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, nhận định.
Để tăng cường khả năng phòng vệ, Việt Nam đã tham khảo cơ sở dữ liệu của Microsoft, xác định rằng có 3,8 triệu thiết bị bị nhiễm virus trong nước. Các quan chức sử dụng dữ liệu để kiểm tra địa chỉ IP của các thiết bị nhiễm virus, phần mềm độc hại có liên quan và kết nối với các thiết bị ở nước ngoài.
Xem thêm: Mỹ mở văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á ở Việt Nam để giải quyết vấn đề COVID-19
ByteDance hù dọa Tổng thống Trump khi đàm phán để tránh bán TikTok ở Mỹ
Ông Trump muốn phân ly kinh tế, Trung Quốc nêu sáng kiến bảo mật dữ liệu toàn cầu
AstraZeneca: Cuối năm mới biết hiệu quả của vắc xin COVID-19 triển vọng nhất
'Đây là triệu chứng đáng sợ nhất khi mắc COVID-19'
Huawei không dám cuồng ngôn vì chờ ân huệ từ Mỹ, tác động tiêu cực ngắn hạn với Samsung
TikTok hoảng loạn tìm cách ngăn video cựu chiến binh tự sát lan rộng, Facebook lên tiếng
Con trai Tổng thống Trump: Trung Quốc có thể lấy dữ liệu từ TikTok làm hại con bạn
Nghiên cứu COVID-19 và tình dục, tiến sĩ khuyên đeo khẩu trang khi quan hệ với tình mới
Nhà khoa học nói về ca siêu lây nhiễm khiến 23 người đi cùng xe buýt mắc COVID-19
Ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 cho người già hay trẻ, nhóm chuyên gia đưa giải pháp gây tranh cãi
Ký ức kinh hoàng của cô gái bị cảnh sát bắt vì đăng bài bất lợi cho Trung Quốc trên WeChat
Nhân Hoàng