Ngày 20.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Nhiều người lao động lo không đủ sức làm đến 60 tuổi
Về tuổi nghỉ hưu (Điều 169), Chính phủ trình quy định về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tức là đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60.
Bên cạnh các ý kiến đồng tình, một số ý kiến đại biểu còn băn khoăn về quy định tuổi nghỉ hưu, về việc áp dụng cùng một lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu chung cho các đối tượng lao động khác nhau.
Ủy ban về các vấn đề Xã hội nêu rõ, về nguyên tắc, Ủy ban tán thành với chủ trương điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chung đối với người lao động nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW với mục tiêu lâu dài để chủ động ứng phó với xu hướng già hóa dân số diễn ra nhanh của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Tuy nhiên, vẫn còn có hai quan điểm khác nhau về vấn đề này. Quan điểm thứ nhất cho rằng, chỉ nên quy định về nguyên tắc để giao Chính phủ quy định, hướng dẫn cho phù hợp căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số... và không nhất thiết phải có lộ trình như nhau đối với các nhóm lao động khác nhau.
Quan điểm thứ hai cho rằng, cần quy định rõ lộ trình thực hiện trong dự thảo Bộ luật như phương án Chính phủ trình tại kỳ họp Quốc hội. Do còn có ý kiến khác nhau và đây là vấn đề có tác động lớn đối với người lao động và thị trường lao động, Ủy ban về các vấn đề xã hội báo cáo và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hai phương án quy định tại khoản 2 Điều 169 về tuổi nghỉ hưu để xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.
Phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và đủ 60 tuổi đối với nữ. Kể từ ngày 1.1.2021, căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số, Chính phủ quy định cụ thể lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động.
Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.
Qua đó, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nêu quan điểm, với hệ thống công chức thì nên tăng tất cả, viên chức tăng một bộ phận lớn, còn lao động phổ thông thì phải cân nhắc. Nhiều người nghe tăng tuổi hưu đã thấy hãi vì không đủ sức để làm đến tuổi 60.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh quy định tuổi nghỉ hưu thì Trung ương đã bàn rất kỹ rồi. Nhưng hồ sơ dự án bộ luật thì chưa được rõ nên đọc vẫn hơi khó hiểu, không biết tại sao lại nam tăng lên 62 và nữ lên 60.
Ông Định đề nghị phải có giải thích rõ hơn tại hồ sơ và tuyên truyền cũng cần tốt hơn và cũng phải tính đến việc xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền.
Cần làm rõ nhiều nội dung về tổ chức đại diện người lao động
Về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, Ủy ban này đề nghị bổ sung quy định làm rõ hơn vai trò của tổ chức công đoàn nhằm khẳng định vị trí chính trị của Công đoàn Việt Nam đã được Hiến pháp và Luật Công đoàn ghi nhận, đồng thời tránh nhầm lẫn giữa tổ chức công đoàn với tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp nằm ngoài hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam.
Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã chỉnh lý tên gọi của tổ chức đại diện người lao động sẽ dự kiến được thành lập mới (không thuộc hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam) là: “Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” và quy định cụ thể “Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm: Công đoàn cơ sở (thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam) và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”.
Đồng thời, một số quy định tại Chương XIII về Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đã được chỉnh lý, bổ sung nhằm bảo đảm tính tương thích với các Công ước của ILO, đảm bảo phân biệt rõ được công đoàn cơ sở với tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và các quy định áp dụng chung cho cả hai loại tổ chức này nhưng mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Ủy ban về các vấn đề xã hội thấy rằng, quy định tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp là vấn đề mới và khó, chưa có thực tiễn nên mức độ quy định như dự thảo là phù hợp.
Một số nội dung Ủy ban đề nghị Chính phủ quan tâm, thận trọng và làm rõ trong văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành như: nguyên tắc về quản lý tài chính; thu phí thành viên; quyền tham gia một hay nhiều tổ chức đại diện của người lao động; giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa các tổ chức của người lao động liên quan đến quyền thương lượng tập thể... Ủy ban này đề nghị Chính phủ khẩn trương bổ sung dự thảo Nghị định trình kèm theo hồ sơ dự án Bộ luật.
Lam Thanh