Trong số hàng ngàn ha đất dự án bỏ hoang ở Hà Nội nhiều năm qua, chỉ riêng huyện Mê Linh đã có gần 2.000 ha, trong khi người dân thiếu đất sản xuất
Thủ tướng vừa yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra và chỉ đạo làm rõ việc gần 2.000 ha đất dự án đô thị bị bỏ hoang gây lãng phí nghiêm trọng tại huyện Mê Linh. Đây là lần thứ 2 trong vòng 1 tháng Thủ tướng yêu cầu Hà Nội kiểm tra.
Vướng giải phóng mặt bằng!?
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trên địa bàn huyện Mê Linh hiện có gần 60 dự án xây dựng khu đô thị (KĐT), nhà ở với tổng diện tích hơn 2.000 ha. Hầu hết các dự án đều được phê duyệt ngay trước thời điểm Mê Linh được hợp nhất về Hà Nội (1-8-2008).
Thời điểm này thị trường bất động sản đang trong giai đoạn thịnh vượng, với lợi thế là huyện ngoại thành sát trung tâm thủ đô, có vị trí địa lý và giao thông thuận lợi, bất động sản tại Mê Linh đã thu hút giới đầu tư. Sau khi được phê duyệt, nhiều chủ đầu tư đã nhanh chóng chia lô, bán nền, huy động vốn góp từ các nhà đầu tư thứ cấp và khách hàng cho dù dự án mới đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng (GPMB).
Tuy nhiên, cơn sốt đất này kéo dài không lâu thì thị trường bất động sản đóng băng, giá đất tại Mê Linh tụt dốc, nhiều dự án rơi vào trạng thái mất thanh khoản.
Ông Bùi Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, cho biết hiện trên địa bàn có 47 dự án KĐT và dự án phát triển nhà ở với tổng diện tích đất khoảng 1.800 ha.
Trong đó, xã Tiền Phong là nơi tập trung nhiều dự án nhất với gần 20 dự án, như: khu nhà nghỉ và biệt thự Nam Sơn của Công ty CP Vinh Sơn trên 60 ha; khu biệt thự sinh thái Phúc Việt của Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phúc Việt 24,3 ha; khu chung cư cao tầng và nhà ở cho công nhân KCN của Công ty CP Đầu tư Xây dựng số 18 quy mô gần 16 ha; KĐT Minh Giang Đầm Và (2 giai đoạn) của Công ty TNHH Minh Giang gần 22 ha; dự án Làng hoa Tiền Phong của Công ty TNHH Tiền Phong trên 40 ha; làng Quốc tế Tiền Phong gần 30 ha...
Lý giải nguyên nhân dẫn đến các dự án bị bỏ hoang, nhiều chủ đầu tư cho rằng do điều chỉnh lại quy hoạch từ khi chuyển từ Vĩnh Phúc về Hà Nội, khó GPMB nên không thể triển khai tiếp.
Ông Quang cho hay lãnh đạo huyện đã yêu cầu từng doanh nghiệp, chủ đầu tư làm báo cáo về 5 vấn đề: Quy hoạch, đất đai, GPMB, thủ tục đầu tư, tiến độ dự án. Căn cứ vào lộ trình tiến độ, huyện sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan đôn đốc các thủ tục, tháo gỡ vướng mắc giúp các chủ đầu tư.
Nếu đúng thời hạn đã báo cáo, chủ đầu tư không thực hiện được, huyện sẽ đề nghị thành phố xử lý theo quy định của Luật Đất đai. Huyện đang tìm mọi biện pháp để khởi động các dự án này nhưng việc liên lạc với các chủ đầu tư rất khó khăn.
Lấy đất rồi bỏ hoang
Theo tìm hiểu, các dự án chậm tiến độ tại huyện Mê Linh, phần lớn đã huy động vốn từ khi chưa GPMB. Có nhiều dự án đã bán, thu tiền 100% giá trị lô đất. Ở nhiều khu vực đã đền bù hoặc chưa đền bù cho người dân đều bỏ hoang, cỏ mọc um tùm nhiều năm qua.
Những dự án này được chính quyền lấy đất nông nghiệp của dân từ cách đây hơn 10 năm rồi bỏ hoang, dân không có đất canh tác khiến họ gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Huy Chiến - một người dân ở thôn Ấp Hạ, xã Mê Linh, huyện Mê Linh - cho biết: "Hơn 10 năm trước, 3 sào đất trồng hoa, cây công nghiệp của gia đình tôi nằm trong diện thu hồi đất của dự án Cienco5; KĐT AIC. Dự án Cienco5 không thấy động đậy gì còn dự án của AIC thì cũng kê khai đầy đủ nhưng không thấy chủ đầu tư đền bù cho dân".
Bà Nguyễn Thị Loan, vợ của ông Chiến, bức xúc: "Đất thì có kế hoạch lấy rồi, tiền thì doanh nghiệp không giải ngân, ruộng thì bỏ hoang hoặc làm tạm bợ. Sống trong cảnh chực chờ rất mệt. Doanh nghiệp không làm thì chính quyền phải thu hồi lại để cho dân được nhờ".
Hàng trăm dự án vi phạm ở Hà Nội
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, toàn thành phố có 161 dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai.
Các địa phương có nhiều dự án chậm triển khai gồm huyện Hoài Đức (51 dự án), huyện Mê Linh (50 dự án), quận Nam Từ Liêm (48 dự án), quận Hoàng Mai (25 dự án), Bắc Từ Liêm (23 dự án)… Trong đó, có 76 dự án chậm triển khai từ 5 đến hơn 10 năm.
(NLĐ)