2.662 công trình chưa được thẩm duyệt về PCCC đã đi vào hoạt động
Trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2014 – 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cho biết, giai đoạn 2014 - 2018, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC cơ bản được ban hành kịp thời, làm cơ sở cho các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý trong việc đưa ra các giải pháp thiết kế về PCCC.
Trong 4 năm, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tham gia và phối hợp với các lực lượng dập tắt được gần 10 nghìn vụ cháy (chiếm 73,1% số vụ cháy); lực lượng PCCC tại chỗ xử lý được trên 3 nghìn vụ cháy từ khi phát sinh.
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: quochoi.vn)
Đáng chú ý, trong giai đoạn giám sát, toàn quốc đã thẩm duyệt PCCC đối với 58.504 dự án, công trình; tổ chức nghiệm thu về PCCC cho 29.230 dự án, công trình. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC; tính đến tháng 7/2018, còn 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.
Tuy nhiên, việc xây dựng và thực tập phương án chữa cháy ở một số cơ sở còn tính hình thức, đối phó. Việc xây dựng, bố trí các điều kiện chữa cháy (giao thông, nguồn nước, phương tiện...) chưa được quan tâm, chưa đáp ứng yêu cầu chữa cháy. Nhiều vụ cháy do không được dập tắt kịp thời đã phát triển thành cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, công tác phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng PCCC chưa thực sự chặt chẽ…
Làm rõ có hiện tượng “phạt cho tồn tại hay không”?
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, dù công tác tuyên truyền PCCC đã quán triệt xuống nhiều địa phương, nhiều nơi đã có cách làm hay nhưng hiệu quả chưa cao, nhất là kỹ năng của người dân khi xảy ra cháy thì không biết thoát hiểm thế nào?. Ông Thanh cũng bày tỏ quan ngại khi thiết bị phục vụ cho công tác PCCC có 50% thiết bị cũ trên 20 năm, khi xảy ra cháy không vận hành chữa cháy được. Trên cơ sở đó, đề nghị làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư trong các trường hợp tiết kiệm chi phí nên đưa phương tiện, thiết bị cũ, lạc hậu vào sử dụng; khi xảy ra cháy thì không phát hiện, báo động, cũng không chữa cháy được.
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đặt vấn đề: Còn 2.662 các công trình đưa vào hoạt động nhưng chưa thẩm duyệt PCCC, hay 110 chung cư người dân đã vào ở mà chưa nghiệm thu về PCCC. Vậy khi xảy ra cháy trách nhiệm thuộc về ai?. Cần phải chỉ rõ trách nhiệm.
Theo Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến, hiện số vụ cháy dập tắt tại chỗ chỉ chiếm 26%. Điều đó cho thấy hiệu quả hoạt động của lực lượng tại chỗ còn yếu, phương châm “4 tại chỗ” chưa hiệu quả. Cho nên, cần đánh giá sâu thêm nguyên nhân do đâu, giải pháp thế nào?.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng thẳng thắn yêu cầu làm rõ có hiện tượng “phạt cho tồn tại hay không”?. “Phát hiện vi phạm mà vẫn cho tồn tại là ảnh hưởng đến mạng sống của nhiều người dân cho nên phải làm rõ để chấn chỉnh. Đồng thời cần công khai 2.662 công trình không đảm bảo PCCC để dân biết để có cách phòng chống an toàn cho mình” - Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị./.