Hà Nội hiện có hơn 8 triệu phương tiện giao thông (1,1 triệu ô tô và gần 7 triệu xe máy) - Ảnh: VGP
Xây dựng "vùng phát thải thấp"
Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2016-2020 vượt khoảng 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT (25µg/m3). Nồng độ bụi PM10 vượt quá giới hạn QCVN từ 1,3 đến 1,6 lần. Số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức kém và xấu chiếm tỷ lệ 30,5% tổng số ngày quan trắc, một số ngày chất lượng không khí suy giảm đến ngưỡng rất xấu (AQI trên 200).
Các nghiên cứu gần đây đánh giá, giao thông đường bộ chính là nguồn đóng góp lớn nhất vào ô nhiễm bụi PM2.5 tại Hà Nội. Tùy vào từng điểm, mức độ đóng góp của các nguồn chiếm tỷ lệ khác nhau. Nguồn giao thông (bao gồm cả bụi đường) là nguồn có đóng góp mức cao nhất (từ 58% đến 74%)...
Theo Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trên toàn Thành phố hiện có hơn 8 triệu phương tiện giao thông (1,1 triệu ô tô và gần 7 triệu xe máy) và khoảng 1 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác thường xuyên lưu thông trên địa bàn Thủ đô.
Đặc biệt, số phương tiện giao thông ở thành phố Hà Nội có xu hướng tăng bình quân 5%/năm, trong khi đó nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông lại chưa đáp ứng đủ nhu cầu; hệ thống giao thông công cộng phát triển chưa tương xứng quy mô đô thị… Các phương tiện giao thông chủ yếu sử dụng nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu đã tạo ra nguồn phát thải chính gây ô nhiễm môi trường.
Nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024 và giảm bớt tình trạng ô nhiễm môi trường, thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định "vùng phát thải thấp".
Theo Dự thảo, "vùng phát thải thấp" là khu vực giới hạn trong Thành phố, nơi có mức độ ô nhiễm không khí cao. Các phương tiện giao thông hoạt động ở khu vực này phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt. Phương tiện không đạt tiêu chuẩn sẽ bị hạn chế hoặc phải trả phí.
Dự kiến, sau khi được thông qua tại kỳ họp HĐND vào cuối năm 2024, thành phố Hà Nội sẽ thí điểm mô hình "vùng phát thải thấp" và hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm từ đầu năm 2025. Đến năm 2030, Hà Nội sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy, tiến tới dừng hoạt động xe máy ở các quận như Nghị quyết của HĐND thành phố từ năm 2017 đã đề ra.
Trong đó, 5 vùng hạn chế gồm: Khu vực tập trung các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội (mật độ dân cư cao, có các khu vực/địa danh cần được bảo tồn, có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa xã hội); Khu vực đang bị ô nhiễm không khí do nguồn phát thải từ giao thông; Khu vực đáp ứng được yêu cầu của phương tiện giao thông công cộng phát thải thấp; Khu vực đủ điều kiện áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về phát thải của phương tiện.
Cần thiết phát triển giao thông xanh
Bà Lê Thanh Thủy, Phó Trưởng phòng Quản lý môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) chia sẻ, việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô vào tháng 7/2024 đã giúp cho Hà Nội chủ động thực hiện một số nội dung quản lý Nhà nước, trong đó có công tác quản lý chất lượng không khí, đó là xây dựng các tiêu chí trình tự, thủ tục xác định "vùng phát thải thấp" cho TP. Hà Nội.
Việc triển khai "vùng phát thải thấp" là áp dụng các biện pháp cụ thể cho tất cả phương tiện giao thông đường bộ dựa trên tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải tại địa phương với lộ trình phù hợp để bảo đảm tính phù hợp, khả thi và hiệu quả của chính sách.
Điều 3 Luật Thủ đô quy định rõ: Vùng phát thải thấp là khu vực hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm không khí cho TP. Hà Nội. Đây vừa là định nghĩa, nhưng chúng ta cũng có thể thấy rõ đây là tiêu chí cũng như mục đích để xây dựng "vùng phát thải thấp" cho Hà Nội.
Hiên, Sở TN&MT đang dự thảo Nghị quyết để xác định các tiêu chí, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp cho TP. Hà Nội và sẽ trình HĐND thông qua vào tháng 12 này. Điều đó có nghĩa từ 1/1/2025, TP. Hà Nội sẽ có những quy định, hành lang pháp lý để xây dựng vùng phát thải thấp.
Trong đó, có các tiêu chí, điều kiện cụ thể, cũng như biện pháp để các địa phương khác nhau, tùy vào tình trạng, đặc thù, năng lực của mình, để tự xác định những vùng phát thải thấp phù hợp với tiêu chí, điều kiện để cuối cùng, chính sách đó có thể được đi vào thực tế và vùng phát thải thấp được thực hiện trong những năm tới.
Ngoài ra, để cải thiện chất lượng không khí một cách bền vững, việc phát triển giao thông xanh là vô cùng cần thiết, nhằm hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường.
Bởi lẽ, giao thông xanh sử dụng sức người, năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén... Việc sử dụng xe đạp, xe máy, ô tô điện, xe chạy bằng khí nén CNG, xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió… chính là tham gia giao thông xanh, bảo đảm môi trường.
Trong lộ trình xanh hóa giao thông, Hà Nội đang khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, trong đó có xe buýt điện.
Mới nhất, UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố".
Đề án nhằm đưa ra kế hoạch, lộ trình chuyển đổi và phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022. Đồng thời, đề xuất các giải pháp chuyển đổi, phát triển và đạt được tỷ lệ 100% phương tiện sử dụng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh vào năm 2035.
Theo các chuyên gia giao thông, với những khu vực được xác định là vùng phát thải thấp, mạng lưới giao thông công cộng cần được tối ưu về hạ tầng, lộ trình vận chuyển. Nhất là xe buýt phải có hành lang tiếp cận dễ dàng, thông thoáng, xây dựng thêm nhiều nhà chờ có mái che mưa nắng, duy trì ưu đãi giá vé và đặc biệt phải có không gian cho người đi bộ tiếp cận giao thông công cộng.
Vùng LEZ có thể áp dụng mức giá trông giữ phương tiện riêng, cao hơn hẳn các khu vực khác, cấm hoặc thu phí xe cá nhân ra vào, coi biện pháp kinh tế này như một trong những chế tài chủ yếu. Đồng thời, cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý đối với việc kiểm định khí thải xe máy. Những xe không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, không cho lưu thông hoặc hỗ trợ tiền để người dân chuyển sang sử dụng xe máy điện, xe đạp điện.
Diệu Anh
Nguồn thanglong.chinhphu.vn
Link bài gốchttps://thanglong.chinhphu.vn/vung-phat-thai-thap-ky-vong-giam-o-nhiem-khong-khi-103241127111442439.htm