Các nhà hoạt động cho biết nạn săn trộm và buôn bán bất hợp pháp là những mối đe dọa lớn nhất đối với hổ Mã Lai, nằm trong danh sách các loài “cực kỳ nguy cấp”.
WWF-Malaysia ước tính rằng nước này còn lại không đầy 200 cá thể hổ Mã Lai.
Vào những năm 1950, con số này là khoảng 3.000, mức hiện nay đã giảm mạnh so với con số 250-340 cá thể vào năm 2015.
Tiến sĩ Mark Rayan thuộc WWF-Malaysia cho rằng: “Chúng ta cần có nhiều người tuần tra các khu rừng hơn nữa”.
Mặc dù Cục Động vật hoang dã và Vườn quốc gia (Perhilitan) có 200 nhân viên tuần tra các khu vực trọng điểm nhưng vẫn còn thiếu 2.000 người nữa.
Chuyên gia về hổ cho biết năm qua nạn săn trộm ở Malaysia có dấu hiệu gia tăng.
“WWF xem xét các khu vực Belum-Temengor ở Perak và tìm thấy số lượng bẫy ngày càng tăng”.
Theo tiến sĩ Mark Rayan, những cái bẫy có khả năng do những kẻ săn trộm từ các nước Đông Dương đặt.
“Theo hồ sơ của chúng tôi, hầu như không còn hổ (ở những nước đó), do đó, họ đã bắt đầu săn trộm ở Malaysia”.
Perhilitan, WWF-Malaysia và các nhóm xã hội dân sự đang thực hiện một cuộc khảo sát về hổ, kết quả dự kiến sẽ có vào năm tới.
Hổ Mã Lai thường sinh sống trong các khu rừng Perak, Kelantan, Terengganu, Pahang và Johor.
Theo TRAFFIC, loài này đã được đưa vào danh sách “cực kỳ nguy cấp”.
Phân tích cuối cùng của TRAFFIC về các vụ bắt giữ hổ toàn cầu cho thấy các nhà chức trách thực hiện ít nhất 40 cuộc truy quét từ năm 2000 đến 2015, bắt giữ ít nhất 103 cá thể.
Hai công dân Việt Nam đã bị phạt 517.000 USD và bị Tòa án Kuala Terengganu phạt tù hai năm vì đã sở hữu 141 bộ phận sơn dương, heo vòi, báo, gấu chó, báo lửa và lợn rừng, và 22 bẫy.
Meenakshi Raman, Chủ tịch tổ chức Sahabat Alam Malaysia cho biết hổ Mã Lai đang gặp khó khăn hơn trong việc săn bắt thức ăn vì nai – một trong những con mồi chủ yếu – cũng đang cạn kiệt về số lượng do săn bắn.
“Các mối đe dọa khác bao gồm phá rừng và phân mảnh dẫn đến mất sinh cảnh”.
Cô cho biết một lệnh cấm săn hươu đã được đưa ra từ tháng 11/2016 nhưng sẽ chỉ được thực thi vào tháng 11/2021.
Tiến sĩ Mark cho biết đã chưa có con hổ nào sinh ra trong hoàn cảnh nuôi nhốt và được thả vào tự nhiên ở Malaysia.
“Hổ khác với các loài động vật khác. Chúng ta không thể chỉ cần nhân giống chúng rồi thả vào các khu rừng là xong”.
“Hổ con hổ cần phải học cách săn mồi từ mẹ, và việc này mất tới 2 năm rưỡi”.
“Thật khó để dạy một con hổ săn mồi trong môi trường nuôi nhốt và đó là một nỗ lực tốn kém. Người ta đã nỗ lực nhiều trên toàn thế giới… nhưng rất tốn kém và kết quả không thành công lắm”.
bảo tồn hổ, BBĐVHD, Hổ, Malaysia