(HNM) - Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch vừa hạ hai bậc xếp hạng tín nhiệm tín dụng của Argentina từ “B” (mức đầu cơ cao) xuống tới “CCC”, tức là có khả năng vỡ nợ có chủ quyền hoặc cơ cấu lại một số khoản nợ.
Việc Argentina lún sâu hơn vào cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra khi đương kim Tổng thống Mauricio Macri bị đánh bại trong cuộc bầu cử sơ bộ hôm 11-8 nhằm xác định các cặp đôi ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống sẽ tham gia vào cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào cuối tháng 10 tới với tỷ lệ phiếu bầu chênh lệch lớn hơn dự kiến, chỉ đạt 32% so với 47% mà đại diện phe đối lập giành được.
Theo quy định, trong cuộc bầu cử chính thức, một ứng cử viên cần tối thiểu 45% phiếu bầu hoặc 40% số phiếu với cách biệt 10% so với đối thủ gần nhất để giành chiến thắng. Cho dù kết quả cuộc bỏ phiếu sơ bộ chỉ mang ý nghĩa tham khảo nhưng thực tế trên khiến các nhà đầu tư lo ngại nếu Tổng thống M.Macri không giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử chính thức vào tháng 10 tới, người kế nhiệm ông có thể sẽ hủy bỏ và đảo ngược tiến trình “thắt lưng buộc bụng” mà nhà lãnh đạo Argentina đang theo đuổi. Từ năm 2018, ông M.Macri đã cố gắng thuyết phục Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) giải ngân khoản cứu trợ kỷ lục 56 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế của nước này đang tụt dốc cũng như giữ chân các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, niềm tin của nhà đầu tư đã lung lay sau kết quả bầu cử, khiến thị trường tài chính Argentina chao đảo. Chỉ số chứng khoán S&P Merval của nước này giảm tới 48% vào ngày đầu tuần qua, là mức giảm trong một ngày lớn thứ hai tại bất kỳ thị trường chứng khoán toàn cầu nào kể từ năm 1950 tới nay. Đồng peso của Argentina cũng giảm giá mạnh, mất 30% giá trị, xuống mức kỷ lục 65 peso/USD và chỉ trở lại mức
giảm 15% khi Ngân hàng trung ương Argentina can thiệp. Việc đồng nội tệ mất giá không chỉ khiến sức mua hàng hóa trong nước giảm mạnh, tỷ lệ lạm phát tăng tới 55% mà còn ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của nước này. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng trong bối cảnh khoảng 80% số nợ của nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh đều được tính bằng ngoại tệ.
Trên thực tế, Argentina đã phải vật lộn với chính sách tài khóa bất ổn trong nhiều năm sau khi từng vỡ nợ vào các năm 2001 và 2014. Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit ước tính, dựa trên mức đóng cửa sàn giao dịch chứng khoán ngày 14-8 vừa qua, xác suất vỡ nợ có chủ quyền của Argentina trong 12 tháng tới sẽ là 55%. Trong 5 năm tới, con số này thậm chí vọt lên 82,5%. Nhận định trên có phần tương đồng với dự báo của Tập đoàn tài chính Merrill Lynch khi cho rằng, nhu cầu lớn khiến Chính phủ Argentina cần khoảng 30 tỷ USD vào năm tới. Nhưng tình hình tài chính và tín dụng thị trường thấp đồng nghĩa với khả năng vỡ nợ có thể xảy ra vào năm 2020.
Thực trạng trên khiến các nhà đầu tư tìm mọi cách rút vốn, “sơ tán” tài sản tích trữ tại quốc gia này. Điều đó khiến ngay cả trái phiếu 100 năm của Chính phủ Argentina cũng đã giảm xuống đáy mới. Để đối phó với những bất cập về kinh tế, Tổng thống M.Macri đã xúc tiến một số biện pháp tạm thời, trong đó có tăng
mức lương tối thiểu cho người lao động, nới rộng thời gian phải trả thuế đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ lên 10 năm, cắt giảm thuế thu nhập cá nhân, tăng các khoản tiền hỗ trợ cho người lao động và người nghèo với mức từ 2.000 peso (33,2 USD) đến 5.000 peso (83 USD) trong hai tháng 9 và 10 cũng như giữ nguyên mức giá nhiên liệu trong thời gian 90 ngày.
Tuy nhiên, việc đương kim Tổng thống Argentina có thể tiếp tục theo đuổi mục tiêu vực dậy nền kinh tế hay không sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào lựa chọn của người dân nước này trong ngày 27-10 tới. Đến nay, nhà lãnh đạo Argentina vẫn tin tưởng vào cơ hội chiến thắng và khẳng định đội ngũ của ông vẫn đang làm việc hết mình để giải quyết những lo ngại của cử tri về kinh tế đất nước.