(HNM) - Trong khi châu Âu và Mỹ đang phải vật lộn với những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19 thì tại một số quốc gia như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga... số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 mới tăng lên không đáng kể. Kinh nghiệm ngăn chặn thành công dịch Covid-19 tại những quốc gia này có thể là bài học tham khảo với nhiều nước.
Trước đây, nhiều dự đoán cho rằng khoảng 50% dân số Trung Quốc sẽ nhiễm vi rút SARS-CoV-2, với tỷ lệ tử vong khoảng 1% (tương đương 7 triệu người). Tuy nhiên, tới nay số ca nhiễm tại quốc gia 1,4 tỷ dân đang chững lại ở mốc hơn 80.000 người, số ca tử vong là hơn 3.500 người. Phần lớn những ca nhiễm mới đều là người từ nước ngoài trở về, trong khi các tâm dịch tại Hồ Bắc và Vũ Hán vừa dỡ bỏ lệnh phong tỏa.
Đây là kết quả ấn tượng bởi Trung Quốc cũng giống các quốc gia khác đều chưa có bất cứ loại thuốc nào đặc trị vi rút SARS-CoV-2. Theo đánh giá của giới chuyên môn, bí quyết chống dịch của quốc gia đông dân nhất thế giới nằm ở những đối sách dứt khoát để xóa bỏ các ổ dịch, trong đó có quyết định cách ly hơn 50 triệu người dân tại Vũ Hán. Bắc Kinh đã điều động nhân viên y tế từ khắp nơi trên cả nước tới các ổ dịch, đồng thời triển khai hàng nghìn tổ điều tra, truy lùng tới tận cùng nguồn lây nhiễm.
Hàn Quốc được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là minh chứng điển hình cho thấy việc kiểm soát Covid-19 lây lan trong cộng đồng là hoàn toàn khả thi. Ngay khi ca nhiễm đầu tiên xuất hiện, Hàn Quốc đã yêu cầu toàn bộ các công ty dược phẩm trong nước tập trung sản xuất các bộ thử nhanh SARS-CoV-2. Chỉ trong vòng hai tuần, hàng nghìn bộ thử nhanh đã được xuất xưởng mỗi ngày, và giờ đây là 100.000 bộ/ngày. Với hơn 600 điểm thử nhanh, Hàn Quốc tới nay đã xét nghiệm cho hơn 300.000 trường hợp, tức là gấp hàng chục lần so với châu Âu và Mỹ.
Trong bối cảnh trên 80% ca nhiễm ở Hàn Quốc là lây nhiễm tập thể và 61% liên quan đến tín đồ của giáo phái Tân Thiên Địa, nước này cũng đẩy mạnh quản lý những khu vực có rủi ro lây nhiễm cao như: Phòng hát karaoke, các địa điểm sinh hoạt tôn giáo... Vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, các cơ sở tôn giáo tại Hàn Quốc đều đóng cửa và tạm ngừng hoạt động. Từ những nỗ lực này nên ngay cả khi dịch bùng phát, Hàn Quốc vẫn giữ thế chủ động và kiểm soát tốt tình hình. Thêm vào đó, việc xác định, phân loại sớm các ca bệnh nhẹ còn giúp Hàn Quốc tránh được tình trạng quá tải bệnh viện.
Nếu như Trung Quốc và Hàn Quốc là gương điển hình trong việc khắc phục hậu quả thì Nga nổi bật nhờ khả năng phòng ngừa sớm. Nước này đã đóng cửa tuyến biên giới trải dài hơn 4.100km với Trung Quốc ngay từ ngày 30-1 và thiết lập các khu vực cách ly để ngăn chặn tác nhân gây bệnh. Cùng thời điểm này, Nga đã tiến hành xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 trên diện rộng, qua đó xác định các trường hợp cần cách ly. Thực tế, những biện pháp trên đã được WHO khuyến nghị từ rất sớm, nhưng không phải quốc gia nào cũng chủ động triển khai quyết liệt.
Nga hiện đã xét nghiệm tổng cộng gần 160.000 trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2, trong khi Mỹ và nhiều nước châu Âu mới chỉ bắt đầu tăng tốc thực hiện khuyến nghị này. Ngoài việc chủ động phòng ngừa nguy cơ từ bên ngoài, Nga cũng nhanh chóng áp dụng các biện pháp phòng bị sâu rộng trong nội địa như: Hủy bỏ các sự kiện công cộng; cách ly công dân trên 65 tuổi; áp dụng hình phạt nghiêm khắc các trường hợp vi phạm quy định phòng dịch... Những biện pháp quyết liệt mà Mátxcơva theo đuổi tỏ rõ hiệu quả khi tới ngày 25-3 nước này mới chỉ ghi nhận 438 người nhiễm bệnh và duy nhất một trường hợp tử vong.
Cuộc chiến toàn cầu chống lại dịch Covid-19 đang bước vào giai đoạn cam go nhất. Kinh nghiệm quý báu đã được các nước áp dụng thành công chính là việc phát hiện sớm, xử lý triệt để nguồn lây nhiễm SARS-CoV-2.