Theo Bộ Công an, quá trình xây dựng hoàn thiện dự thảo luật, cơ quan này cùng Bộ Y tế tổ chức nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tổ chức điều tra xã hội học, hội thảo khoa học về tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ; lấy ý kiến các chuyên gia y tế tại một số bệnh viện lớn của Việt Nam. Kết quả cho thấy, rượu, bia ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm thần và hành vi của con người, đặc biệt là những người sau khi sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, từ tháng 6-2022 đến tháng 12-2023, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến rượu, bia chiếm 20% tổng số người chết và bị thương. Cũng theo Bộ Công an, trong năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia giảm 25% số vụ, 50% số người chết, 22% số người bị thương so với năm 2022. Rượu, bia còn là một trong những nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Sử dụng rượu, bia tạo gánh nặng đối với y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề xã hội. Do đó, việc kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn ngoài ý nghĩa đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc.
ĐỖ TRUNG
Nguồn sggp.org.vn
Link bài gốchttps://www.sggp.org.vn/kien-quyet-giu-quy-dinh-nong-do-con-bang-0-post737726.html#737726|zone-highlight-112|0