Bản thân mỗi doanh nghiệp cũng nhận thức được rằng, nếu không gắn việc sản xuất với bảo vệ môi trường thì họ sẽ không có cơ hội phát triển bền vững. Thậm chí, doanh nghiệp có thể mất tất cả.
Trước tiên vì chính lợi ích của doanh nghiệp
Những năm qua, hàng trăm tỷ USD vốn đầu tư của các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đã đưa giấc mơ Việt Nam thành “công xưởng của thế giới” dần trở thành hiện thực. Cùng với việc đón nhận dòng vốn đầu tư, mỗi dự án khi vào Việt Nam đều được đặt ra những câu hỏi về môi trường. Từ dự án nhiệt điện, thép, giấy, may mặc… cho đến những dự án công nghệ cao của các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới.
Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng là thông điệp được Chính phủ đề cập nhiều lần. Ảnh minh họa
Là đơn vị đầu tư trong lĩnh vực “nhạy cảm” về môi trường như nhiệt điện, ông Dương Thuỷ Đức, Giám đốc Nhà máy nhiệt điện Thái Bình, đơn vị quản lý vận hành nhiệt điện Thái Bình cho hay: Ngay từ khi lập dự án đầu tư đến khi triển khai thực hiện dự án nhiệt điện Thái Bình, các cấp thẩm quyền, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản, các đơn vị tư vấn đã rất quan tâm và coi trọng các vấn đề về môi trường, xã hội.
Trao đổi về vấn đề xử lý tro xỉ nhiệt điện, ông Đức chia sẻ: Chúng tôi cũng rất trăn trở về việc này. Chúng tôi đã đề xuất đấu thầu tiêu thụ tro xỉ phải cam kết tiêu thụ tất cả các chất thải: tro xỉ, thạch cao… Bằng cách này, từ năm ngoái đến nay nhà máy đã dùng hàng triệu tấn than nhưng không tồn dư tro xỉ.
Câu chuyện trên cho thấy, dù hoạt động ở lĩnh vực nào đi chăng nữa thì nếu có công nghệ tốt và giải pháp phù hợp, những tác hại đến môi trường của các dự án có thể được giảm thiểu đáng kể.
Cũng là một ngành bị đánh giá có nguy cơ gây ô nhiễm cao nhưng khi trả lời chất vấn về dự án thép tỷ đô ở Dung Quất, đại diện Tập đoàn thép Hòa Phát không ngần ngại cam kết: “Giữa một vùng sông nước, dân cư sầm uất, chúng tôi đặt ưu tiên giải quyết các vấn đề môi trường lên hàng đầu, sau đó mới tính đến hiệu quả kinh tế”. Thậm chí, ông Trần Đình Long, Chủ tịch thép Hòa Phát còn phát biểu: “Vấn đề môi trường là số 1, tập đoàn dành 20-30% chi phí dự án để đảm bảo môi trường, trước tiên vì lợi ích của chính doanh nghiệp, của cộng đồng dân cư xung quanh và xã hội nói chung”.
Không thể tồn tại nếu xem nhẹ môi trường
Ngay cả với Samsung – một DN đầu tư ở Việt Nam với số vốn lên tới trên 17 tỷ USD, tạo ra 170 nghìn việc làm, đóng góp hơn 25% vào xuất khẩu của Việt Nam nhưng các lãnh đạo của Samsung cũng hiểu rằng, an toàn môi trường quan trọng như thế nào đến sự sống còn và phát triển của doanh nghiệp. Ông Shim Won Hwan, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam khẳng định: “Tại Samsung, an toàn môi trường là nguyên tắc số 1 trong kinh doanh”.
Sẽ không thu hút doanh nghiệp FDI mang theo ô nhiễm môi trường. Ảnh minh họa
-> Bãi tập kết rác quá tải gây ô nhiễm, dân khốn khổ vì mùi hôi thối
Những việc làm cụ thể của Samsung với kết quả ấn tượng về môi trường suốt một thập kỷ qua đã chứng minh cho điều lãnh đạo Samsung đã nói. Ông Shim Won Hwan còn nhấn mạnh: Với mục tiêu phát triển bền vững, không chỉ tập trung sản xuất, Samsung Việt Nam luôn đặc biệt chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường cho cộng đồng và đảm bảo môi trường làm việc an toàn và thân thiện nhất cho 170 nghìn nhân viên đang làm việc và cống hiến cho sự thành công của Samsung Việt Nam.
Chia sẻ với PV, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và phát triển cho rằng: Bảo vệ môi trường là điều cần đặc biệt quan tâm trong bối cảnh hiện nay. Với những dự án có nguy cơ ô nhiễm thì việc này càng phải được chú trọng hơn. Điều quan trọng là các địa phương có dự án đến đầu tư cần có một hội đồng đánh giá được công nghệ của dự án, tác động của dự án đến môi trường. Hội đồng đó nên có những chuyên gia am hiểu về môi trường tham gia vào. Khi đó, chúng ta có thể chọn được những nhà đầu tư có trách nhiệm có công nghệ hiện đại, tiên tiến, không để Việt Nam trở thành “bãi rác” của những công nghệ cũ kỹ, lạc hậu.
“Nếu các dự án này đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường thì hãy cấp phép. Chúng ta không nên từ chối các dự án một cách cực đoan, nhưng phải kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào cho đến đầu ra của các yếu tố liên quan đến môi trường”, GS Đào chia sẻ.
Thực tế, theo các chuyên gia, bản thân những doanh nghiệp làm ăn chân chính, dù làm nhiệt điện, dệt nhuộm, giấy, thép hay ngành nào đi nữa, sẽ không bao giờ dám đánh đổi uy tín bao năm gây dựng, chẳng thể vì lợi nhuận mà gây hại cho môi trường. Bởi sau cùng, niềm tin và sự tôn trọng của khách hàng luôn là cơ sở để một DN tồn tại và phát triển.
Bất cứ doanh nghiệp nào, dù hoạt động trong lĩnh vực nào, đều không thể và không dám xem nhẹ môi trường. Đặc biệt là khi mọi quốc gia đều đặt vấn đề môi trường lên hàng đầu trong quá trình phát triển. Bản thân mỗi công cụ được các quốc gia đưa ra đều có thể kiểm soát được từng hành vi của doanh nghiệp.
-> Doanh nghiệp từ chối nhận hàng nghìn container phế liệu do "gửi nhầm"