Ngày 15.8 tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN) với chủ đề “Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái Trí tuệ nhân tạo” được khai mạc. Sự kiện do Bộ KH-CN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trường đại học Bách Khoa Hà Nội cùng Báo điện tử VnExpress đồng tổ chức.
Phát biểu tại sự kiện Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam, Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy nhận định trí tuệ nhân tạo (AI) đang đi vào cuộc sống một cách mạnh mẽ, thay thế nhiều công việc thủ công, tốn sức lao động. Trên thế giới, các cường quốc đều xây dựng chiến lược phát triển riêng cho AI, lấy công nghệ này làm cốt lõi cho sự tăng tốc của nền kinh tế.
Trong vài năm trở lại đây, ngành trí tuệ nhân tạo của Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệt, thể hiện rõ nhất ở các sản phẩm có hàm lượng AI ngày càng xuất hiện nhiều. Tuy nhiên theo Thứ trưởng, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức chung như nhiều nước khác là thiếu cơ sở dữ liệu lớn, thiếu nguồn lực, doanh nghiệp làm AI còn ít.
Trong bối cảnh đó, Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN) ra đời, được kỳ vọng trở thành một trong những nền tảng, động lực thúc đẩy sự lan tỏa và phát triển công nghệ AI tại Việt Nam thông qua việc kết nối các thành phần bên trong hệ sinh thái từ các viện nghiên cứu, trường đại học, tập đoàn công nghệ, doanh nghiệp, startup... đến cộng đồng AI.
Sự kiện hướng tới mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ AI trong nhiều ngành kinh tế - xã hội trọng yếu tại Việt Nam như y tế, giáo dục, kinh doanh, thương mại, tài chính, nông nghiệp...
Dự đoán khả năng nhiễm mã độc
Nằm trong khuôn khổ Ngày hội Trí tuệ nhân tạo, chiều 14.8, TS Nguyễn Việt Hùng (Chủ nhiệm Bộ môn An toàn Thông tin, Khoa Công nghệ Thông tin, Học viện Kỹ thuật Quân sự) đã có bài giảng về thách thức an toàn thông tin mạng và khả năng ứng dụng AI trong lĩnh vực này tại Việt Nam.
Theo đó, TS Nguyễn Việt Hùng cho biết hiện nay các cuộc tấn công mạng ngày càng phức tạp và tinh vi, chu trình tấn công ngày càng ngắn lại và có kỹ thuật tấn công tiên tiến hơn. Do vậy các phương pháp phân tích mã độc truyền thống sẽ không còn phù hợp.
Với ưu điểm vượt trội, có thể phân tích các dữ liệu chứa mã độc theo phương pháp truyền thống như signature-based (phát hiện xâm nhập bằng cách so sánh), công nghệ AI còn có khả năng học và dự đoán khả năng nhiễm mã độc của dữ liệu, phát hiện lỗ hổng, từ đó tự động sinh ra mã bảo vệ tiêu diệt mã độc.
Tuy nhiên để có thể ứng dụng công nghệ AI rộng rãi, đa lĩnh vực tại Việt Nam, TS Hùng cho rằng cần đầu tư về nguồn lực kinh tế, kỹ thuật và giáo dục mọi người nhận thức về tầm quan trọng của an ninh mạng. Nhà nước cần đưa ra những quy định siết chặt các hình thức vi phạm an ninh mạng.
AI4VN quy tụ những diễn giả hàng đầu thế giới về AI, công nghệ và khởi nghiệp, các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước, những người đam mê tìm tòi, học hỏi kiến thức về công nghệ AI.
Các đơn vị đồng hành của sự kiện bao gồm FPT, Viettel, VietinBank, VNPT, VIB, VinGroup, VNPost, BKAV. Ngoài ra, chương trình cũng nhận được sự phối hợp từ các đơn vị Five9, Misa, SmartOCR, dinogo, FastGo, Topica, Kambria, VietAI, BKHoldings, Netnam.
Thu Anh