Bộ Công Thương vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo quyết định về cơ chế biểu giá bán lẻ điện. Một trong những điểm mới của dự thảo này là bổ sung nhóm khách hàng sử dụng điện cho mục đích trạm/trụ sạc xe điện.
Hiện nay, một số đơn vị trong nước đã đầu tư, phát triển hệ thống trạm/trụ sạc cho ô tô, xe máy điện. Đây là mục đích sử dụng điện mới nên cần thiết bổ sung hướng dẫn áp dụng giá bán lẻ điện cho hoạt động này.
Bộ Công Thương đang xây dựng phương án giá điện tại các trạm sạc.
Bộ Công Thương đưa ra hai phương án cho giá điện tại các trạm sạc.
Phương án 1: Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho trạm, trụ sạc xe điện được xây dựng trên cơ sở giá điện phản ánh chi phí sản xuất điện mà trạm/trụ sạc xe điện gây ra cho hệ thống điện.
Mức giá điện dự kiến cho trạm sạc theo đề xuất của Bộ Công Thương.
Ưu điểm của phương án này, theo Bộ Công Thương, là cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho trạm, trụ sạc xe điện được xây dựng trên cơ sở giá điện phản ánh chi phí sản xuất điện mà trạm/trụ sạc xe điện gây ra cho hệ thống điện nên đảm bảo phân bổ chi phí tới khách hàng sử dụng điện.
Song nhược điểm là phải bổ sung nhóm khách hàng mới trong cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Trong khi các nhóm khách hàng khác vẫn thực hiện theo lộ trình để giá điện phản ánh chi phí (giá cho sản xuất vẫn thấp hơn so với giá phân bổ phản ánh chí phí; giá cho kinh doanh vẫn cao hơn so với giá phân bổ phản ánh chi phí).
Phương án 2: Áp dụng giá điện cho mục đích sạc xe điện theo giá kinh doanh. Đây cũng là ý kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Bộ Công Thương đánh giá ưu điểm của phương án này là không phải bổ sung đối tượng mới trong cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện hành. Song nhược điểm là có thể có tác động tới chính sách phát triển xe điện do làm tăng chi phí sạc điện.
Phương án 3: Áp dụng giá điện cho mục đích sạc xe điện theo giá sản xuất. Đây là ý kiến của Bộ Giao thông vận tải và Công ty TNHH Kinh doanh thương mại và dịch vụ Vinfast, Công ty CP sản xuất và kinh doanh Vinfast.
Ưu điểm của phương án này, theo quan điểm của Bộ Công Thương, là không phải bổ sung đối tượng mới trong cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện hành. Có thể có tác động tới chính sách phát triển xe điện do làm giảm chi phí sạc điện.
Song nhược điểm là tác động tới cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do việc áp dụng giá bán lẻ điện cho sản xuất đối với mục đích sạc xe điện thấp hơn sẽ dẫn tới việc tăng giá điện cho các nhóm khách hàng khác để cân đối lại doanh thu. Điều này có nghĩa là thực hiện bù chéo từ các nhóm khách hàng khác cho nhóm khách hàng sạc xe điện.
So sánh các phương án, Bộ Công Thương cho rằng: Phương án 2 và 3 sẽ phát sinh bù chéo giữa các nhóm khách hàng sử dụng điện. Khi triển khai áp dụng có thể sẽ không phù hợp với chủ trương được quy định tại Nghị quyết số 55-NQ/TW.
Còn phương án 1 được xây dựng trên cơ sở giá bán điện phản ánh chi phí sản xuất kinh doanh điện cho hoạt động sạc xe điện nên Bộ Công Thương kiến nghị xem xét lựa chọn áp dụng theo phương án này.
Nguồn Báo Việt Nam Net
Link bài gốchttps://vietnamnet.vn/tram-sac-xe-dien-ganh-gia-cao-hay-huong-muc-gia-thap-2262683.html