Theo Electrek, các chuyên gia của Cơ quan năng lượng quốc tế cho rằng hiện nay các tháp điện gió ven biển sản xuất 0,3% tổng sản lượng điện. Tuy nhiên, trong 20 năm tới ngành công nghiệp này được kỳ vọng tăng trưởng đáng kể.
Sự tiến bộ của công nghệ trong lĩnh vực này sẽ là hữu hình nhất. Theo các chuyên gia, đến năm 2040, công suất của điện gió ven biển sẽ tăng gấp 15 lần và ngành này sẽ thu hút khoảng 1 nghìn tỉ USD vốn đầu tư. Tại châu Âu, sau 20 năm, sẽ có 130 GW năng lượng gió biển so với 20 GW hiện tại. Tại Trung Quốc, tăng trưởng sẽ còn ấn tượng hơn nữa - từ 4 GW lên đến 110 GW. Các yếu tố chính của tăng trưởng, theo IEA, là sự hỗ trợ của chính phủ, giảm chi phí và một số phát triển mới, bao gồm các nền tảng nổi và tua bin lớn hơn. Các biện pháp bổ sung của chính phủ có thể đẩy nhanh sự phát triển của ngành.
Theo tính toán của IEA, các nhà máy điện ngoài khơi có thể tạo ra hơn 420.000 TWh năng lượng mỗi năm. Con số này cao gấp 18 lần so với nhu cầu điện toàn cầu.
Ở hầu hết các khu vực, bao gồm châu Âu, Mỹ và Trung Quốc, gió biển sẽ có thể cung cấp nhiều năng lượng hơn nhu cầu của người tiêu dùng.
Các chuyên gia lưu ý rằng bây giờ châu Âu đang dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng gió biển. Đặc biệt, Anh có số lượng tháp điện gió ven biển lớn nhất. Tuy nhiên, đến năm 2025, Trung Quốc có thể vượt Anh.
Vũ Trung Hương