Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy, Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và Sở hữu trí tuệ là 2 trụ cột quan trọng và dành được sự quan tâm đặc biệt trong thời gian tới. Cùng với đó là các vấn đề liên quan tới hàng rào kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa.
Liên quan đến truy xuất nguồn gốc, đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” theo quyết định số 100/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ KH-CN) triển khai tích cực trong năm 2019.
Ông Bùi Bá Chính (Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia) cho biết để phục vụ tiến trình triển khai Đề án, Trung tâm đã phối hợp với Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy xây dựng dự thảo Thông tư quy định về quản lý mã số mã vạch (MSMV) và truy xuất nguồn gốc.
Ngoài ra, Trung tâm cũng đẩy mạnh phối hợp với Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam và nhóm công tác xây dựng tiêu chuẩn để xây dựng các Tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc như tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc rau quả; tiêu chuẩn quốc gia về yêu cầu chung về năng lực tổ chức chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc, đồng thời tham gia nhóm công tác xây dựng tiêu chuẩn quốc gia yêu cầu chung về truy xuất nguồn gốc.
Cũng theo ông Chính, việc thúc đẩy các hoạt động quan trọng này nhằm kiến tạo khung cho hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa ở Việt Nam trong thời gian tới.
Theo đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” theo quyết định số 100/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn đến năm 2025 phải hoàn thiện cơ bản hệ thống các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc. Xây dựng tối thiểu 30 tiêu chuẩn quốc gia và 2 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc, các tài liệu hướng dẫn áp dụng cho từng nhóm sản phẩm cụ thể.
Đề án cũng nêu rõ, giai đoạn đến năm 2025, tối thiểu 30% các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch tại Việt Nam có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Hoàn thiện nâng cấp Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia, đảm bảo kết nối 100% hệ thống truy xuất nguồn gốc của các Bộ, cơ quan liên quan và ít nhất 70% trong tổng số các đơn vị cung cấp giải pháp tại Việt Nam.
Theo thống kê, năm 2019, Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia đã tổ chức gần 20 khóa đào tạo, tư vấn và hướng dẫn về ứng dụng mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, Trung tâm đã tiến hành các thủ tục triển khai dự án “Nghiên cứu phát triển phần mềm quản lý, đăng ký và kê khai thông tin sản phẩm hàng hóa quốc gia phục vụ xuất nhập khẩu, bước đầu bao gồm modun dành riêng cho sản phẩm trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cải tiến thủ tục kê khai sản phẩm áp dụng mã số mã vạch.
Khẳng định truy xuất nguồn gốc là hoạt động có nhu cầu xã hội cao, đặc biệt cần thiết trong thời điểm hiện tại, đại diện Trung tâm cho biết đang tiến hành triển khai nhiều hoạt động về truy xuất nguồn gốc, đặc biệt tập trung và theo dõi tình trạng chủ trương đầu tư Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
Thu Anh