Theo greenpearce.org, công trình nghiên cứu mới của Greenpeace là nỗ lực đầu tiên để đánh giá thiệt hại toàn cầu mà ô nhiễm không khí gây ra khi đốt nhiên liệu hóa thạch.
Trong báo cáo của họ, các chuyên gia từ Greenpeace Đông Nam Á và Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch ước tính thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí đối với một số chất chính gây ra ở mức khoảng 2,9 nghìn tỉ đô la mỗi năm (tương đương 8 tỉ đô la mỗi ngày), tương đương khoảng 3,3% GDP toàn thế giới. Ô nhiễm không khí do đốt nhiên liệu hóa thạch có liên quan đến khoảng 4,5 triệu ca tử vong thêm mỗi năm (12 nghìn mỗi ngày).
Nghiên cứu mới là nỗ lực đầu tiên nhằm đánh giá toàn cầu về tác động của ô nhiễm không khí từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch. Nghiên cứu mới chỉ kiểm tra một số chất gây ô nhiễm: các hạt mịn (PM2.5), ozone (O3) và nitơ dioxide (NO2). Mức độ ô nhiễm được xác định bằng các công cụ giám sát dựa trên vệ tinh (dữ liệu được cập nhật bằng cách đọc từ các trạm quan sát trên mặt đất). Các chuyên gia đã sử dụng một số nguồn để ước tính dân số và tình trạng sức khỏe của người dân, bao gồm cả ước tính của Ngân hàng Thế giới.
Nghiên cứu nói rằng 40.000 trẻ em chết trong 5 năm đầu tiên của cuộc đời, thường là ở các quốc gia có mức sống thấp, do tiếp xúc với hạt vật chất (PM2.5), được hình thành do đốt nhiên liệu hóa thạch.
Mỗi năm, 4 triệu trẻ em bị hen suyễn do nitơ dioxide (NO2), được phát ra từ các phương tiện, cũng như các nhà máy điện và công xưởng. Ngoài ra, ô nhiễm không khí PM2.5 trên toàn thế giới hàng năm dẫn đến mất 1,8 tỉ ngày làm việc do bệnh tật, gây thiệt hại kinh tế 101 tỉ đô la mỗi năm.
Tác động của ô nhiễm không khí trong quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch đối với Nga được ước tính trong báo cáo với trung bình 120 nghìn ca tử vong sớm mỗi năm. Thiệt hại kinh tế ước tính trung bình khoảng 68 tỉ đô la mỗi năm. Số tiền này tương đương với tất cả các chi phí của dự án Sinh thái ( Ekologija) quốc gia Nga, được lên kế hoạch cho giai đoạn từ 2019 đến 2024 lên tới khoảng 65 tỉ đô la. Báo cáo cũng nói rằng Trung Quốc đại lục có thiệt hại kinh tế cao nhất từ ô nhiễm không khí, dẫn đến thiệt hại khoảng 900 tỉ đô la mỗi năm. Mỹ đứng ở vị trí thứ hai với khoản thiệt hại hàng năm ước tính là 600 tỉ đô la và Ấn Độ đứng thứ ba với 150 tỉ đô la mỗi năm.
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là một yếu tố rủi ro chính cho sức khỏe có liên quan đến ảnh hưởng môi trường. Nó dẫn đến sự gia tăng đáng kể trong các trường hợp mắc bệnh tim mạch, hô hấp và ung thư trên toàn thế giới. 91% dân số thế giới sống ở những nơi có mức độ ô nhiễm cao hơn mức quy định trong Khuyến nghị chất lượng không khí của WHO.
Vũ Trung Hương