Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia sẽ bảo đảm nhu cầu trao đổi, khai thác thông tin của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế; hoàn thiện hệ thống quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa trong nước và quốc tế.
Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia bảo đảm kết nối 100% hệ thống truy xuất nguồn gốc của các bộ, cơ quan liên quan và ít nhất 70% trong tổng số các đơn vị cung cấp giải pháp tại Việt Nam.
Theo ông Bùi Bá Chính phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia, trong năm 2019, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đang triển khai xây dựng 3 dự thảo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và 1 dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, quả.
Theo ông Chính, từ nay đến năm 2020 sẽ tiến hành rà soát các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc; xây dựng, ban hành tối thiểu 5 tiêu chuẩn quốc gia, 1 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc và tài liệu hướng dẫn áp dụng.
Ngoài ra, sẽ triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với một số nhóm sản phẩm, hàng hóa trong nước như nông lâm thủy sản, thực phẩm, thuốc chữa bệnh; xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
Hiện Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia là đơn vị chủ trì và hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia còn triển khai mô hình hoạt động chứng nhận sự phù hợp (bên thứ ba) đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc; Xây dựng chương trình chứng nhận sự phù hợp, đồng thời xây dựng dự thảo Quyết định của Bộ KH-CN chỉ định đơn vị công nhận chương trình chứng nhận và chỉ định một tổ chức chứng nhận áp dụng mô hình chứng nhận sự phù hợp trên.
Thu Anh