Bức tranh dài 4,5 mét được phát hiện cách đây hai năm trên đảo Sulawesi, trên đó vẽ cảnh những thợ săn “nửa người” (màu đỏ, mình người đầu thú) cầm giáo cùng dây thừng đuổi theo động vật hoang dã. Đội ngũ nghiên cứu đến từ Đại học Griffith sử dụng công nghệ xác định tranh có niên đại ít nhất là 43.900 năm – thời kỳ đồ đá cũ. Phát hiện mới nhất phá vỡ kỷ lục 40.000 năm của một bức tranh vẽ động vật phát hiện trên đảo Borneo trước đó.
Quan niệm tranh vẽ trong hang động bắt nguồn từ châu Âu tồn tại trong rất nhiều năm, nhưng hàng loạt bức tranh tại Indonesia đã thách thức quan niệm này. Chỉ riêng ở Sulawesi cũng có ít nhất 242 hang động tồn tại tranh vẽ, hằng năm các nhà khoa học lại phát hiện thêm địa điểm mới.
Theo đội ngũ nghiên cứu của Đại học Griffith, bức tranh mô tả cảnh săn bắt cho thấy từ 44.000 năm trước đã tồn tại một nền văn hóa - nghệ thuật tiên tiến dưới dạng thần thoại tôn giáo và tín ngưỡng tâm linh.
“Đây không chỉ là tác phẩm nghệ thuật lâu đời nhất, mà còn là bằng chứng lâu đời nhất cho phương thức truyền tải câu chuyện thời đồ đá. Điều này rất đáng chú ý vì khả năng nghĩ ra chuyện hư cấu đóng vai trò như giai đoạn cuối cùng và quan trọng nhất trong lịch sử tiến hóa của ngôn ngữ loài người lẫn sự phát triển nhận thức”, đội ngũ nghiên cứu nhấn mạnh.
Cẩm Bình (theo Channel News Asia)