Tại dự thảo Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nêu lên các vấn đề liên quan đến hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Cụ thể, hệ sinh thái đổi mới quốc gia phát triển khá nhanh từ năm 2016 và có sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp khu vực và toàn cầu.
Hệ sinh thái ngày càng sôi động với sự tham gia nhiều hơn của vườn ươm khởi nghiệp và vườn ươm tăng tốc khởi nghiệp. Đã có gần 50 không gian làm việc chung (coworking space) ở Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng như Up, VSVA, BKHup, Clickspace…
Một số công ty khởi nghiệp sáng tạo cũng đã chứng tỏ khả năng tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có sử dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… và được chấp nhận trên toàn cầu. Điển hình như “Got It” với các ứng dụng giáo dục, “Holistics” với dịch vụ quản lý dữ liệu, “ELSA” với dịch vụ học tiếng Anh bằng công nghệ Trí tuệ nhân tạo và “MoMo” với ứng dụng ví điện thoại di động…
Tuy nhiên, dự thảo cũng nêu lên những thách thức mà hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn đang đối mặt. Thứ nhất, các công ty khởi nghiệp thiếu kinh nghiệm trong việc khởi sự kinh doanh, hiểu biết pháp lý và thị trường do vườn ươm khởi nghiệp và vườn ươm tăng tốc khởi nghiệp ở Việt Nam nằm rải rác ở các vùng và số lượng còn ít. Điều đó khiến công ty khởi nghiệp gặp khó khăn nhiều trong việc tiếp cận hỗ trợ và tìm kiếm hướng dẫn.
Trên thực tế, theo VCCI, phần lớn các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam tìm kiếm lời khuyên từ gia đình (44,1%), bạn bè (50%) và tư vấn viên giàu kinh nghiệm (50%).
Thứ hai, phần lớn các khu làm việc chung vẫn thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết cho các công ty khởi nghiệp như kết nối Internet, phòng thí nghiệm R&D, trung tâm dữ liệu để truy cập dữ liệu Việt Nam và thế giới.
Thứ ba, chưa có một hệ thống hỗ trợ kinh doanh tích hợp đầy đủ để hỗ trợ hậu cần, kinh doanh (thị trường, vốn, các vấn đề pháp lý…) với dịch vụ một cửa chất lượng cao. Các loại hỗ trợ này có tồn tại nhưng rất phân tán, có quy mô nhỏ ở các địa phương.
Không gian làm việc chung tại BKHup - Ảnh: BKHup
Học tập từ quốc tế
Là những đất nước đi trước trong việc thúc đẩy nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, dự thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn chứng ví dụ về Hàn Quốc, khi quốc gia này đã xây dựng một mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo ở toàn quốc, mỗi trung tâm tập trung vào một ngành công nghiệp cụ thể và do một tập đoàn lớn hậu thuẫn.
Từ tháng 9.2015, Chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập 17 Trung tâm kinh tế sáng tạo và đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoạt động trong lĩnh vực CNTT - Truyền thông và CMCN 4.0.
Chính phủ Trung Quốc coi phát triển đổi mới sáng tạo cấp quốc gia là cơ chế quan trọng để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo rộng khắp. Trong kế hoạch “Made in China 2025”, Chính phủ Trung Quốc sẽ thiết lập Mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo ngành chế tạo cấp quốc gia (mục tiêu là thiết lập 15 trung tâm vào năm 2020 và 40 trung tâm vào năm 2025).
Về hỗ trợ chính sách và tài chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Chính phủ Singapore khuyến khích tài chính, có các gói hỗ trợ phi tài chính như phát triển hệ sinh thái trung tâm đổi mới sáng tạo, bộ công cụ kinh doanh, thu hút và phát triển nhân tài, hướng dẫn xuất khẩu, hỗ trợ thâm nhập thị trường mới và phát triển kỹ năng…
Ở Hàn Quốc, Chính phủ Hàn Quốc và khu vực tư nhân sẽ đóng góp tổng cộng 1,16 nghìn tỉ Won (khoảng 1 tỉ USD), vào “Quỹ các quỹ”, trong đó Chính phủ đóng góp khoảng 580 triệu USD. Quỹ này đầu tư vào các loại quỹ khác nhau nhằm đa dạng hoá hoạt động và phân bổ tài sản vào nhiều giỏ hàng để tránh rủi ro biến động của thị trường.
Trong số khoảng 580 triệu USD mà Chính phủ Hàn Quốc đóng góp, khoảng 70% là từ Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; 30% còn lại là do các bộ ngành khác.
Thu Anh