Nằm trong chuỗi sự kiện Techfest Việt Nam 2019 (tổ chức tại TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), diễn đàn “Kết nối nguồn lực phát triển khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực thương mại điện tử và logistics” do Báo Công Thương, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp cùng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN (Bộ KH-CN) tổ chức.
Thương mại điện tử lên ngôi
Ông Phạm Hồng Quất (Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN, Bộ KH-CN) nhận định rằng thương mại điện tử và logistics là lĩnh vực mà các tập đoàn lớn cũng như các bạn trẻ rất quan tâm. Đặc biệt, Việt Nam có gần 50 triệu thuê bao sử dụng điện thoại thông minh (smartphone), thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam được dự đoán rất tiềm năng và sẽ bùng nổ thời gian tới. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thương mại điện tử tại Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2018 thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển toàn diện với tốc độ tăng trưởng trên 30%. Với sự tăng trưởng cao và liên tục từ năm 2015, chúng ta tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu 10 tỉ USD loại hình doanh nghiệp với người tiêu dùng vào năm 2020 nêu trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020.
Nhắc đến các trang thương mại điện tử, phải kể đến Shopee, Tiki, Sendo hay Lazada… Và theo VECOM, mạng xã hội có vai trò nổi bật trong việc kết nối người tiêu dùng với nhau, và người bán. Trong lĩnh vực kinh doanh, mạng xã hội có ảnh hưởng lớn đối với tiếp thị và quan hệ khách hàng.
Cụ thể như Lazada có trên 50.000 nhà bán hàng và đối tác; hàng tháng, sàn thương mại điện tử này thu hút trên 100 triệu lượt người truy cập, hàng chục triệu người theo dõi trên trang Facebook của công ty. Ngoài ra, mạng xã hội cũng hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển nguồn lực, hoàn thiện tổ chức và hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).
Được biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn cũng đã tích cực sử dụng mạng xã hội để tiếp thị và chăm sóc khách hàng. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với ngành thương mại điện tử ở Việt Nam, khi các hoạt động kinh doanh, giao dịch trực tuyến bằng công nghệ hiện đại đang dần thay thế các hình thức mua bán truyền thống.
Diễn đàn nằm trong chuỗi khuôn khổ Techfest Việt Nam 2019 - Ảnh: BTC
Bài toán logistics
Tuy nhiên, Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử 2019 cho thấy vẫn còn nhiều cản trở cho sự bứt phá trong giai đoạn tới. Những cản trở lớn nhất bao gồm lòng tin của người tiêu dùng vào giao dịch mua bán trực tuyến còn thấp, dịch vụ logistics – giao hàng chặng cuối – hoàn tất đơn hàng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chênh lệch khoảng cách số giữa các địa phương còn rất cao.
Ông Nguyễn Thế Quang (Phó cục trưởng Cục thương mại và kinh tế số, Bộ Công Thương) cho biết dù số lượng các website và ứng dụng thương mại điện tử có sự tăng lên đáng kể, nhưng trở ngại mà doanh nghiệp thương mại điện tử đang phải đối mặt chính là chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng, bảo mật thông tin…
Ngoài ra, chi phí dịch vụ của logistics Việt Nam còn cao so với nhiều nước trong khu vực. Do đó, ông Nguyễn Thế Quang khuyên các doanh nghiệp logistics trong nước cần tăng cường ứng dụng KH-CN hiện đại theo xu hướng hình thành ngành logistics trong cuộc CMCN 4.0 để nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng dịch vụ và giảm giá, phí các dịch vụ.
Đại diện Quỹ Vina Capital, ông Hoàng Đức Trung (Phó GĐ Quỹ Vina Capital) nhận định vấn đề vốn nằm ở doanh nghiệp nhiều hơn, đòi hỏi startup thể hiện những ý tưởng sáng tạo. Về phần quỹ, quỹ luôn mong muốn tìm cơ hội đầu tư phù hợp và rộng mở đầu tư. Thêm vào đó, đại diện Lazada, ông James Dong cũng đưa ra đề xuất cho hệ sinh thái khởi nghiệp như cung cấp nền tảng thân thiện, hiệu quả tốt nhất; dữ liệu về doanh số, số liệu khách hàng…
Thu Anh