Theo BiorXiv.org, các nhà khoa học Hy Lạp đã tiến hành phân tích tiến hóa trên tổng thể bộ gien của coronavirus 2019-nCoV và thấy rằng nó không bắt nguồn từ vi rút SARS, nhưng hoàn toàn có khả năng là hậu duệ của các mầm bệnh khác do dơi truyền.
Từ coronavirus, một ổ dịch bắt đầu ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc có tên 2019-nCoV, vì được phát hiện vào cuối năm 2019. Các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra cách để đối phó với nó khi tính tới ngày 30.1, dịch viêm phổi đã khiến 170 người tử vong tại Trung Quốc và vẫn tiếp tục lan ra nhiều quốc gia trên thế giới.
Để tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả cho mầm bệnh, trước tiên cần hiểu cách thức hoạt động của nó và xem nó giống với các loại vi rút đã biết như thế nào. Do đó, các nhà khoa học Hy Lạp ở Đại học Athens đã quyết định giải mã bộ gien của loài sinh vật này.
Để làm điều này, họ đã sử dụng phân tích phát sinh chủng loại học (phylogenetic analysis) bằng các phương pháp tương tự tối đa (maximum likelihood) và định lý Bayes (cho phép tính xác suất xảy ra của một sự kiện ngẫu nhiên A khi biết sự kiện liên quan B đã xảy ra).
Hóa ra bộ gien 2019-nCoV tương tự 96,3% với bộ gen vi rút BatCoV (BatCoV RaTG13) lần đầu tiên được phát hiện ở loài dơi. Nhưng ngoài ra, coronavirus mới cũng tương tự như Bat-SARS, nguyên nhân gây ra bệnh SARS và dịch bệnh trước đó ở Trung Quốc.
Theo các nhà khoa học Hy Lạp, rất khó có khả năng 2019-nCoV đến từ sự tái tổ hợp (recombination) của vi rút BatCoV, như đã giả định trước đây. Nhưng giả thuyết về sự lây lan của mầm bệnh này trong quần thể người từ dơi vẫn là hợp lý nhất.
Vũ Trung Hương