Quốc vụ khanh phụ trách lĩnh vực Khí hậu, Năng lượng và Hạ tầng Đan Mạch - Ngài Morten Baek đã có chuyến thăm Việt Nam trong hai ngày 4 – 5.11.2019 với mục đích tăng cường việc hợp tác giữa hai Chính phủ Việt Nam và Đan Mạch trong lĩnh vực năng lượng.
Đặc biệt, Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2019 (EOR19) đã được công bố; trong đó, Báo cáo đã đưa ra và chứng minh những kịch bản phát triển của ngành năng lượng của Việt Nam cũng như lộ trình phát triển có chi phí thấp và bền vững với kết quả lớn về giảm phát thải CO2 mà Việt Nam có thể chọn lựa.
Theo Ngài Morten Bæk, Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2019 đề xuất các giải pháp cho rất nhiều thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt, đồng thời đóng góp cho việc xây dựng Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia 8. Các tính toán mới cho thấy làm cách nào để Việt Nam có thể giảm mức phát thải cacbon hàng năm tới 39% vào năm 2050 so với các kế hoạch hiện tại. Mức giảm này tương đương với 370 triệu tấn CO2.
Cụ thể, Báo cáo EOR19 cho thấy tăng cường tiết kiệm năng lượng và phát triển tối đa năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm phát thải CO2 nhiều hơn và hiệu quả hơn về chi phí, giảm ô nhiễm không khí và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Quá trình chuyển đổi này sẽ đòi hỏi việc sớm dừng đầu tư vào những nhà máy nhiệt điện than mới, điều này sẽ làm đảo ngược xu hướng tiêu thụ than đang gia tăng hiện nay.
Kết quả nghiên cứu cho thấy đầu tư vào tiết kiệm năng lượng sẽ có hiệu quả chi phí lớn hơn nhiều so với đầu tư vào mở rộng công suất nhà máy điện, tiết kiệm năng lượng có thể đóng góp quan trọng vào giảm phát thải CO2 và giảm nhập khẩu nhiên liệu.
Khung pháp lý minh bạch và ổn định cho phát triển mở rộng điện gió và điện mặt trời, bao gồm quy hoạch và mục tiêu ổn định, hệ thống phê duyệt dự án minh bạch và được điều phối hợp lý (một đầu mối chung) và hợp đồng mua bán điện (PPA) đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Kết quả nghiên cứu cho thấy có thể đạt được tỷ lệ 40% năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện vào năm 2030 và nếu kết hợp với tiết kiệm năng lượng sẽ không làm tăng chi phí hệ thống. Điều này cần thiết để hạn chế việc nhập khẩu nhiên liệu.
Ngài Morten Bæk cho rằng các cơ quan hữu quan của Việt Nam có thể dựa vào báo cáo này để hiện thực hoá quá trình chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh và hiệu quả về chi phí, đồng thời giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu nhiên liệu hoá thạch. Đan Mạch cam kết củng cố và mở rộng hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Đan Mạch, từ năm 1994, Đan Mạch đã hỗ trợ cho Việt Nam hơn 1,3 tỉ đô la viện trợ không hoàn lại để trợ giúp phát triển kinh tế xã hội. Tháng 11.2011, Đan Mạch đã ký một tuyên bố chung với Chính phủ Việt Nam với mục đích xây dựng quan hệ hợp tác đối tác chiến lược trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng và tăng trưởng xanh. Đan Mạch và Việt Nam đã nhất trí khuyến khích sử dụng chuyên môn và công nghệ của Đan Mạch trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo.
Giai đoạn đầu của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng giữa Đan Mạch và Việt Nam (DEPP) bắt đầu từ năm 2013. Giai đoạn hai bắt đầu từ năm 2017 và sẽ hoàn thành vào năm 2020. Giai đoạn ba với thời gian là 5 năm, dự định sẽ bắt đầu vào cuối năm 2020.
Thu Anh