Tại “Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0” (Industry 4.0 Summit 2019) diễn ra trong hai ngày 2 - 3.10 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ”.
Theo Bộ trưởng Hùng, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là hạt nhân của chuyển đổi số, là các doanh nghiệp ICT Việt Nam. Vì vậy, chúng ta phải cần đến hàng trăm ngàn doanh nghiệp ICT tại khắp các tỉnh thành để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam. Và cũng chính chuyển đổi số sẽ thúc đẩy "Make in Vietnam" và hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, từ đây đi ra toàn cầu.
Năm nay, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, để tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số. Các yếu tố nền tảng sẽ được nhấn mạnh, sẽ được đầu tư trước, sẽ phải có thứ hạng cao trên thế giới, phải nằm trong top 50 vào năm 2025 và top 30 vào năm 2030. 5 yếu tố nền tảng mà người đứng đầu Bộ TT-TT nhắc tới bao gồm thể chế, hạ tầng, an ninh mạng, platform và đào tạo.
Cụ thể, về thể chế, theo Bộ trưởng Hùng, quan trọng nhất là chính sách thu hút nhân tài toàn cầu, là sự chấp nhận các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, các mối quan hệ mới trong thế giới ảo, đi đôi với việc bảo vệ các giá trị căn bản của nhân loại, của văn hóa Việt Nam, luôn lấy con người làm trung tâm trong quá trình chuyển đổi số.
Về hạ tầng, quan trọng nhất là chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT và làm chủ các công nghệ nền tảng của chuyển đổi số như internet kết nối vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (AI). Rất nhiều công nghệ mới đang xuất hiện cho phép Việt Nam chuyển đổi nhanh chóng hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT thế hệ mới. Và không chỉ là việc mua công nghệ và thiết bị mà còn là cơ hội cho Việt Nam làm chủ công nghệ và sản xuất thiết bị hạ tầng ICT.
Nếu coi mục tiêu của chuyển đổi số là phát triển quốc gia hùng cường, động lực của chuyển đổi số là thể chế, là công nghệ và đổi mới sáng tạo thì tiền đề của chuyển đổi số, theo Bộ trưởng TT-TT, chính là an toàn, an ninh không gian mạng. Việt Nam muốn dựa vào chuyển đổi số để phát triển thành quốc gia hùng cường thì Việt Nam phải là cường quốc về an ninh mạng để đảm bảo an toàn cho quá trình này, tạo niềm tin số cho mọi người.
Ngoài ra, Bộ trưởng Hùng cũng cho rằng lời giải để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam là dựa trên các platforms. Một nền tảng platform có thể kết nối hàng triệu người, hàng ngàn doanh nghiệp; giá trị tạo ra được chia sẻ giữa người tham gia và người tạo platform nên sẽ thúc đẩy tất cả các bên. Lợi thế của Việt Nam là có nhiều doanh nghiệp CNTT có năng lực, đã trưởng thành trong mấy chục năm vừa qua, có thể phát triển các platform phù hợp cho chuyển đổi số Việt Nam.
Về đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số, trước mắt cần tập trung vào đào tạo lại và đào tạo nâng cấp. Giáo dục bằng công cụ ICT cũng chính là cách tốt nhất để dạy kỹ năng số cho học sinh.
Để chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ TT-TT cho biết Việt Nam có thể chọn chiến lược 3 bước. Bước 1, đẩy nhanh việc số hóa và ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực. Bước 2, sử dụng chuyển số như một lợi thế cạnh tranh trong từng lĩnh vực. Bước 3, tiến tới nền kinh tế số toàn diện, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới, các ngành công nghiệp mới này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.
Thu Anh