Các nghiên cứu được thực hiện trên những đứa trẻ chưa được tiêm chủng từ một cộng đồng ở Hà Lan. Các nhà khoa học đã lấy mẫu máu từ những đứa trẻ khỏe mạnh chưa được tiêm chủng từ 4 đến 17 tuổi cũng như từ 77 trẻ bị nhiễm bệnh trong đợt bùng phát bệnh sởi năm 2013. Dựa trên kết quả nghiên cứu, 2 bài báo đã được xuất bản. Công trình của nhóm, do Stephen J. Elledge thuộc Đại học Harvard dẫn đầu, được đăng trên tạp chí Science, một bài báo của nhóm do Velislava Petrova từ Viện Wellcome Trust Sanger và Đại học Cambridge, Anh, phụ trách, được xuất bản trên tạp chí Science Immunology.
Hóa ra, bệnh sởi phá hủy từ 11 đến 73% kháng thể bảo đảm khả năng miễn dịch, nghĩa là căn bệnh sởi sẽ xóa đi trí nhớ của hệ miễn dịch về các bệnh đã mắc và vắc xin từng tiêm trước đó, làm mất khả năng bảo vệ cơ thể. Các nhà khoa học gọi hiện tượng này là "mất trí nhớ miễn dịch". Theo nhà nghiên cứu Velislava Petrova, trẻ em bị nhiễm sởi có thể cần tiêm lại vắc xin chống lại các bệnh khác.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra xem vắc xin MMR, thường được sử dụng để phòng ngừa bệnh sởi, có ảnh hưởng như vậy đối với hệ thống miễn dịch hay không. MMR là một loại vắc xin kết hợp cho bệnh sởi, quai bị và rubella và bao gồm các vi rút sống gây các bệnh này nhưng được làm suy yếu. Có một biến thể của vắc xin MMRV cung cấp bảo vệ chống bệnh thủy đậu. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng một mình vắc xin MMR không ức chế miễn dịch, nghĩa là những người được tiêm vắc xin sẽ được miễn dịch suốt đời với bệnh sởi và không mất khả năng miễn dịch với các bệnh khác.
Jonathan Ball, giáo sư vi rút học phân tử tại Đại học Nottingham, nhận xét về kết quả nghiên cứu mới rằng trong môi trường hiện tại khi tỷ lệ tiêm chủng giảm, cần lưu ý rằng tiêm vắc xin MMR rất quan trọng - không chỉ để bảo vệ chống lại vi rút gây các bệnh sởi, quai bị và rubella mà còn để ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra sau khi nhiễm sởi.
Vũ Trung Hương