Khánh Hòa Online vài ngày trước đã đưa thông tin về chỉ đạo của chính quyền tình Khánh Hoà về việc quản lý chặt hoạt động du lịch tự phát tại Mũi Đôi - Hòn Đầu.
Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao UBND huyện Vạn Ninh tập trung kiểm tra, tăng cường công tác quản lý an ninh trật tự, giao thông đường thủy, vệ sinh môi trường, dịch vụ du lịch... đảm bảo đúng quy định của pháp luật...
Phải bố trí các bảng cung cấp thông tin, hướng dẫn, cảnh báo các vị trí, khu vực nguy hiểm; tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường thủy, không sử dụng phương tiện giao thông không đủ điều kiện để vận chuyển khách đi Mũi Đôi - Hòn Đầu...
Huyện cũng cần làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan để thành lập Ban quản lý di tích - danh thắng Mũi Đôi - Hòn Đầu theo Luật Di sản văn hóa; xây dựng phương án quản lý tạm thời để quản lý toàn diện các hoạt động tham quan, du lịch đối với di tích tại khu vực Mũi Đôi - Hòn Đầu.
Về lâu dài, UBND tỉnh giao UBND huyện Vạn Ninh chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất quy hoạch phát triển du lịch, đề án phát huy giá trị Di tích cấp quốc gia - Danh lam thắng cảnh Mũi Đôi - Hòn Đầu, góp phần phát triển du lịch Khánh Hòa theo đúng quy hoạch Khu Kinh tế Vân Phong được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo các doanh nghiệp không tổ chức đưa khách đi tham quan khi chưa đảm bảo điều kiện, đặc biệt là điều kiện an toàn giao thông.
Bên cạnh việc xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm, ngành du lịch cần nghiên cứu đề xuất tổ chức khai thác hoạt động dịch vụ du lịch, tham quan Mũi Đôi - Hòn Đầu nhằm góp phần phát triển du lịch địa phương, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn biên giới biển.
Mũi Đôi - Hòn Đầu thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa là điểm cực Đông của Việt Nam, được nhiều bạn trẻ lựa chọn để khám phá.
Tuy vậy, từ khu dân cư gần nhất để ra đến Mũi Đôi - Hòn Đầu dài khoảng 12km, qua nhiều cồn cát, rừng, ghềnh đá, rất nguy hiểm. Các tour du lịch hoàn toàn tự phát, đã có nhiều vụ tai nạn, thậm chí cả tai nạn chết người.
Cách đây vài năm đã có một nữ du khách qua đời trên con đường trekking qua đồi cát, nơi là thử thách khó khăn ngay cả với người đã quen thuộc trekking.
Và ngày 22.9.2019, một sinh viên từ TP.HCM đã tử vong, một sinh viên khác mất tích khi lên ghe trở về bờ sau chuyến chinh phục cực Đông. Việc cứu hộ các trường hợp gặp nạn tại khu vực này luôn khó khăn.
Theo TTO, đường vào Mũi Đôi - theo đường bộ - mới chỉ hoàn thành khoảng 5km đầu tiên (tính đến tháng 9.2019). Phần còn lại, du khách phải đi bộ, vượt qua đồi cát khoảng 10km. Một tour cơ bản của Mũi Đôi cho các bạn trẻ thích khám phá bao gồm trekking đồi cát, ăn trưa ở nhà người dân (hoặc tự chuẩn bị), trekking tiếp đến cắm trại ở bãi Rạng hoặc bãi Gió ngủ qua đêm. Buổi sáng vượt qua bãi đá ra điểm cực Đông ngắm bình minh và trở về.
Nếu đi ghe, tour này có thể hoàn thành trong ngày, mỗi chiều ghe đi 40-60 phút, tuy nhiên du khách vẫn phải qua hơn 1km đồi cát để đến bãi đậu ghe. Với cách thức này, dù chọn trekking hay đi ghe đều có thể xếp vào các hoạt động du lịch mạo hiểm.
Thế nhưng du lịch khu vực này không hề có áo phao hay các phương án cứu hộ khi di chuyển trên biển, cũng như không có cảnh báo về luồng lạch, độ nông sâu của con nước. Hoạt động bơi lặn, tổ chức câu mực cho du khách vẫn diễn ra thường xuyên.
Ngay cả mùa mưa bão, du khách vẫn đổ về đây, việc đi lại an toàn hay không sẽ trông chờ vào hên xui và thời tiết.
Thi Anh tổng hợp