Các cơ quan liên quan đã có nhiều cố gắng, thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
Bộ Nội đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.
Bộ Nội vụ cho biết, về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp: đây là nội dung mới do các quy định trước đây về bảo hiểm xã hội chưa quy định rõ khái niệm như thế nào là chậm đóng, trốn đóng.
Thời gian qua, thực hiện quy định pháp luật, các cơ quan liên quan đã có nhiều cố gắng, thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, thực trạng tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, diễn ra trong thời gian dài dẫn đến tình trạng cơ quan bảo hiểm xã hội khó có khả năng thu hồi, ảnh hưởng tới việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động, do vậy, các nội dung cần quy định chi tiết: Về trách nhiệm phát hiện và đôn đốc thực hiện trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp của cơ quan bảo hiểm xã hội, về các trường hợp bị coi là chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; về biện pháp xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
Đôn đốc thực hiện trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp
Theo dự thảo, đôn đốc thực hiện trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại Điều 35 Luật Bảo hiểm xã hội được đề xuất quy định như sau:
Chậm đóng theo khoản 1 Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội và trốn đóng theo điểm đ, e khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội: Hằng tháng, Giám đốc cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý trực tiếp đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp xác định đối tượng chậm đóng, trốn đóng; gửi văn bản yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 10 ngày đầu tháng.
Các trường hợp chậm đóng, trốn đóng không bao gồm quy định trên: Giám đốc cơ quan bảo hiểm xã hội gửi văn bản yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm hoặc tiếp nhận thông tin vi phạm bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.
Thông tin về người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc:
- Trước ngày 15 của tháng đầu quý, cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh gửi thông tin về người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng tính đến hết ngày cuối quý, kết quả xử lý, đề xuất xử lý theo thứ tự, phù hợp với thẩm quyền như sau: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh.
- Trước ngày 15/7 và 15/1 hằng năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam gửi thông tin về người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng lần lượt tính đến hết ngày 30/6, 31/12 hằng năm, kết quả xử lý, đề xuất xử lý theo thứ tự, phù hợp với thẩm quyền như sau: cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp ở Trung ương, Bộ Nội vụ.
- Cơ quan bảo hiểm xã hội báo cáo về người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng đột xuất với cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu.
Các trường hợp bị coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp
Theo dự thảo, các trường hợp bị coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại điểm g Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội được đề xuất quy định như sau:
1- Không đăng ký tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp đối với khoản tiền lương để ngoài sổ kế toán.
2- Người sử dụng lao động sử dụng giấy tờ, tài liệu, thông tin không có thật để được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Các trường hợp không bị coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp
Các trường hợp không bị coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại khoản 4 Điều 38, khoản 2 Điều 39 của Luật Bảo hiểm xã hội được đề xuất quy định như sau:
1- Người sử dụng lao động đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng thời hạn do gặp phải sự cố khách quan không thể lường trước được và khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. (*)
2- Người sử dụng lao động không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp do gặp phải sự cố khách quan không thể lường trước được và khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. (**)
Số tiền, số ngày chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp
Theo dự thảo, số tiền, số ngày chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại khoản 1 Điều 40 Luật Bảo hiểm xã hội được đề xuất quy định như sau:
Số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp:
a) Chậm đóng theo khoản 1 Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội: số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm đóng là số tiền thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Luật Bảo hiểm xã hội còn phải đóng theo đăng ký sau thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất quy định tại khoản 4 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội; số tiền bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng là số tiền thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động còn phải đóng theo đăng ký sau thời hạn đóng bảo hiểm thất nghiệp chậm nhất quy định theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.
b) Chậm đóng theo khoản 2, khoản 3 Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội: số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm đóng là số tiền thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Luật Bảo hiểm xã hội phải đóng cho người lao động chưa được đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội; số tiền bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng là số tiền thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động phải đóng cho người lao động chưa được đăng ký tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.
c) Chậm đóng theo khoản (*) nêu trên: số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm đóng là số tiền thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Luật Bảo hiểm xã hội phải đóng cho người lao động trong thời gian chưa tham gia bảo hiểm xã hội; số tiền bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng là số tiền thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động phải đóng cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian chưa tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
d) Chậm đóng theo khoản (**) nêu trên: quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định này.
Số ngày chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp được xác định bắt đầu từ ngày sau thời hạn đóng bảo hiểm xã hội chậm nhất quy định tại khoản 4 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội hoặc sau thời hạn đóng bảo hiểm thất nghiệp chậm nhất theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.
Xác định hành vi chậm đóng, trốn đóng
Xác định hành vi chậm đóng, trốn đóng; tổ chức thu số tiền chậm đóng, trốn đóng và tổ chức thu số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm đóng, trốn đóng như sau:
Giám đốc cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý trực tiếp đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp có trách nhiệm xác định hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; áp dụng hoặc trình cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
Hằng tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý trực tiếp đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp xác định số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; tính số tiền người sử dụng lao động phải nộp bằng 0,03%/ngày đối với số tiền chậm đóng, trốn đóng; thông báo với người sử dụng lao động để đối chiếu; tổ chức thu và quản lý theo quy định.
Người sử dụng nộp tiền vào quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện thu theo thứ tự sau:
1- Thu số tiền bằng 0,03%/ngày đối với số tiền chậm đóng, trốn đóng.
2- Thu số tiền trốn đóng, nộp vào các quỹ bảo hiểm do cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý đảm bảo chia đều theo tỷ lệ số tiền trốn đóng vào các quỹ bảo hiểm.
3- Thu số tiền chậm đóng, nộp vào các quỹ bảo hiểm do cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý đảm bảo chia đều theo tỷ lệ số tiền chậm đóng vào các quỹ bảo hiểm.
4- Các khoản phải nộp khác theo quy định.
Biện pháp xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp
Theo dự thảo, khi phát hiện hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng đồng thời các biện pháp xử lý sau:
- Buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền chậm đóng, trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
- Xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
- Không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn
Nguồn baochinhphu.vn
Link bài gốchttps://baochinhphu.vn/khac-phuc-bat-cap-trong-xu-ly-cham-dong-tron-dong-bao-hiem-xa-hoi-102250418163309255.htm