Năm thiệt hại của nghề nuôi trồng trên biển
Là ngành kinh tế thế mạnh của Quảng Ninh, song trận bão số 3 (Yagi) đã khiến ngành Thuỷ sản của tỉnh này bị thiệt hại nặng nề, nhất là những hộ nuôi trồng trên biển.
Theo báo cáo thống kê thiệt hại bão số 3 (Yagi) của tỉnh Quảng Ninh tính đến ngày 20/9/2024 chỉ sau vài ngày cơn bão đi qua, ước tính ngành thủy sản tỉnh này đã thiệt hại khoảng 3.692 tỷ đồng. Các ô lồng bè, nhà bè, dàn hàu, cơ sở nuôi trồng trên biển ở những vùng trọng điểm như Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… bị phá huỷ gần như hoàn toàn.
Gia đình bà Ngô Thị Hà vớt những mảnh phao còn sót lại sau bão số 3 Yagi
Gia đình bà Ngô Thị Hà ở phường Cẩm Thủy, TP Cẩm Phả là một trong những hộ gia đình có thâm niên gắn bó với nghề nuôi hàu sữa ở vùng biển Cẩm Phả và Vân Đồn, khi nhắc đến thiệt hại của gia đình bà chia sẻ: “Gần như hai vợ chồng với hai người con trai đều sống bằng nghề nuôi biển. Nhiều gia đình bao thế hệ đều gắn bó với biển, từ vươn khơi xa đánh bắt sau tích cóp vốn để chuyển sang nuôi trồng, hộ thì nuôi cá, hộ thì nuôi hàu sữa. Chưa năm nào người nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 vừa qua, hầu như nhà nào nuôi biển cũng mất hết. Riêng chỉ tính tới thiệt hại của gia đình thì cũng mất trắng hơn 200 dây hàu gần đến ngày thu hoạch nuôi ở vùng biển Thắng Lợi, huyện Vân Đồn với tổng giá trị ít nhất 5 tỷ đồng”.
Bão Yagi quần thảo vùng biển Quảng Ninh làm tan nát, nhấn chìm hầu hết gia sản và cả khí thế, khát vọng của ngư dân ven biển.
Ngồi trên căn nhà bè vừa mới sửa sang lại, lão ngư Phạm Hồng Hứa với 20 năm sống bằng nghề nuôi cá ở vùng biển Cẩm Phả đến giờ vẫn không khỏi tiếc nuối: “Còn gì nữa đâu, của đều theo bão gió tan tành hết, giờ chỉ còn khắc phục lại những gì còn có thể. Những năm trước đây thuận trời, thuận biển mỗi vụ cá song nuôi từ 4- 5 năm mới được thu hoạch, xong được bao vốn liếng lại gối vụ, mở rộng lồng bè nuôi cá. Đến giờ sau bão gia đình tôi cũng chưa biết bao giờ mới khôi phục lại được như cũ”.
Năm mới dự định mới
Trên khuôn mặt đen sạm vì nắng gió của biển, dù còn bao lo toan nặng trĩu nhưng trong ánh mắt của ông Hứa đã chất chứa nhiều hy vọng: “Dự định năm mới cũng phải tiếp tục khôi phục nuôi cá, bởi ở biển cũng quen với vị mặn của sóng gió giờ lên bờ cũng không biết làm gì. Dù phải tiếp tục đi vay mượn cũng phải làm tiếp, trước mắt ngày ngày tự sửa sang gia cố lại lồng bè nuôi, có vốn lại gối vụ nuôi, bởi chi phí 1 lồng cá nuôi đến khi thu hoạch là rất lớn ngoài tiền của thì bao công sức ngày đêm chăm sóc, trông coi”.
Những vùng nuôi hàu sữa của người dân, doanh nghiệp, HTX dần được khôi phục tại TP Cẩm Phả
Cũng cùng với quyết tâm của người nuôi biển, dân biển mất mát, thua lỗ, đứng bên bờ vực phá sản vốn dĩ là chuyện bình thường cho nên gia đình bà Hà vẫn vững tâm bám biển dù biết rằng phía trước còn nhiều gian nan.
“Chỉ sau khi bão tan, vợ chồng con cái cùng anh em cùng nuôi hàu với nhau, ý ới gọi nhau đi tìm lại những quả phao còn sót lại, nén nỗi đau vì tiếc của lại. Mọi người cũng chỉ biết động viên nhau còn người còn của, gia đình vẫn cố gắng vay mượn anh em, họ hàng và ngân hàng để tái sản xuất. Đến nay gia đình cũng tái nuôi hàu sữa được khoảng 8ha. Bước sang một vụ mới, một năm mới hy vọng biển không phụ lòng người để người nuôi biển tiếp tục bám biển bám nghề”, bà Hà tâm tư.
Chung thiệt hại, HTX Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ nuôi trồng Thủy sản Thành Công (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) cũng bị tổn thất nặng nề.
Anh Vũ Viết Vương, Giám đốc HTX chia sẻ: “Chưa bao giờ người làm nghề nuôi biển ở Quảng Ninh phải đối diện với những thiệt hại to lớn, khủng khiếp sau cơn bão Yagi, người ít thì cũng vài trăm triệu, người nhiều thì hàng tỷ, thậm chí hàng chục, hàng trăm tỷ đồng bị cuốn trôi theo sóng nước. Chỉ riêng hợp tác xã chúng tôi giá trị thiệt hải tài sản gồm lồng bè nuôi cá song, cá vược cho tới hàu sữa đã xuống giống gần đến ngày thu hoạch cũng phải lên tới trên 10 tỷ đồng”.
Thả một con hàu, con cá xuống biển nghĩa là gửi gắm vào đấy cả sổ đỏ, nhà cửa và tiền vay mượn ngân hàng, họ hàng để đầu tư. Một hộ nuôi biển kéo theo biết bao hộ khác phụ trợ như cung cấp giống, vật tư, chế biến, vận tải.
Anh Vũ Viết Vương, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản Thành Công bên cạnh bè giống hàu sữa đang được ưu để tiếp tục xuống vụ mới trong năm 2025
"Dừng bây giờ là không thể, cho nên các thành viên HTX chúng tôi vừa khắc phục hậu quả của cơn bão vừa bắt tay ngay vào khôi phục sản xuất, tiếp tục vay ngân hàng để tái sản xuất. Thêm vào đó ngoài vùng nuôi hiện có ở vùng biển Vân Đồn, HTX tiếp tục xin tỉnh Quảng Ninh cấp thêm vùng nuôi mới ở TP Cẩm Phả để nuôi trồng. Sau bão giống hàu sữa cùng với các vật tư lên giá, hiện tại HTX mới khôi phục lại được hoảng 11ha nuôi hàu, còn lại lồng bè nuôi cá chưa thể khôi phục. Mọi người cũng động viên nhau bám trụ biển, nghĩ về năm mới mong thuận biển thuận trời thu hồi vốn, khắc phục dần”, Anh Vương chia sẻ thêm.
Đồng hành cùng với người dân và doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất chủ trương dành 1.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh cho khắc phục hậu quả bão số 3. UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản đề nghị các ngân hàng có các cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, như khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới đối với những khách hàng không còn tài sản thế chấp, cho vay mới với lãi suất phù hợp.
Cũng như bao ngư dân khác ngày đêm bám biển, khôi phục sản xuất, năm cũ đi qua gạt qua mọi khó khăn, năm tới mới với khí thế mới anh Vương vững tin khẳng định: “Sau khi bão số 3 (Yagi) đi quan địa phương cũng tổ chức quy hoạch, bố trí, sắp xếp lại quy hoạch vùn nuôi cho cá nhân, tổ chức, HTX tạo điều kiện tối đa cho người dân yên tâm sản xuất. Với tinh vì biển, làm giàu từ biển, chỉ cần còn sót lại một con hàu, chắc chắn bà con nuôi biển chúng tôi sẽ lấy lại được những gì đã mất”.
V. Hùng
Nguồn giadinhonline.vn
Link bài gốchttps://giadinhonline.vn/mua-xuan-mang-hy-mong-cho-ngu-dan-nuoi-trong-bien-o-quang-ninh-d204379.html