(HNMO) - Tính đến 6h ngày 27-11, toàn thế giới có 61.260.379 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.436.608 trường hợp tử vong và 42.349.080 bệnh nhân đã hồi phục.
Châu Âu
Ngày 26-11, các quan chức y tế Thụy Điển nhận định, làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai tại nước này có thể sẽ lên đến đỉnh điểm vào giữa tháng 12 nhờ các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn, song diễn biến cụ thể còn tùy thuộc vào mức độ tuân thủ của người dân đối với các khuyến cáo về phòng, chống dịch.
Ngày 26-11, phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định, nhiều khả năng nước này sẽ phải áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn ngừa dịch Covid-19 ít nhất tới tháng 1 năm sau do số ca mắc mới vẫn ở mức cao.
Người đứng đầu Chính phủ Đức cũng lên tiếng ủng hộ việc đóng cửa tất cả các khu trượt tuyết ở châu Âu cho đến ngày 10-1-2021 và nhấn mạnh sẽ nỗ lực đạt được sự thống nhất về vấn đề này, đặc biệt là với quốc gia láng giềng Áo. Lệnh phong tỏa toàn quốc tại Áo sẽ được dỡ bỏ vào ngày 7-12 tới, song vẫn chưa rõ chính sách cụ thể với các khu trượt tuyết sẽ được thực hiện như thế nào.
Ngày 26-11, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết, tình hình dịch bệnh ở nước này đã trở nên tồi tệ hơn trong những ngày gần đây khi số ca nhiễm mới đang gia tăng với tốc độ đáng lo ngại, song Chính phủ Phần Lan chưa có cơ sở để áp đặt các biện pháp khẩn cấp như đã từng thực hiện hồi tháng 3. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu cho biết, tỷ lệ mắc Covid-19 ở Phần Lan trong vòng nửa tháng qua ở mức thấp thứ hai châu Âu sau Iceland.
Cùng ngày, Chính phủ Phần Lan đã khuyến nghị giới chức địa phương tạm thời đóng cửa các không gian công cộng tại những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Trong đó, thủ đô Helsinki và các vùng lân cận sẽ ban hành lệnh cấm tổ chức các sự kiện tập trung đông người, yêu cầu học sinh từ 15 tuổi trở lên học trực tuyến…
Ngày 26-11, số ca mắc Covid-19 ở Hà Lan đã vượt ngưỡng 500.000 người. Đây là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trước làn sóng Covid-19 thứ hai tại châu Âu.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết, nhiều khu vực ở nước này sẽ nằm trong nhóm có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao với những hạn chế khắt khe hơn kể từ ngày 2-12 tới.
Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps cho biết, Anh đã thêm Estonia và Latvia vào danh sách các nước cần cách ly, đồng nghĩa với việc những người đến từ hai quốc gia này sẽ phải tự cách ly trong vòng 14 ngày khi tới Anh. Trong khi đó, Bhutan, Mông Cổ và một số nước khác đã được thêm vào danh sách đi lại an toàn, nghĩa là những người đến Anh từ các quốc gia này kể từ ngày 28-11 sẽ không cần tự cách ly.
Ngày 26-11, cơ quan y tế Lithuania cho biết đã phát hiện những ca mắc Covid-19 đầu tiên ở chồn hương, khi 22 con chồn hương chết trong một trang trại ở miền Trung nước này có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2.
Cùng ngày, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki thông báo sẽ triển khai một chương trình hỗ trợ trị giá khoảng 10 tỷ USD nhằm giúp nền kinh tế nước này chống chọi với các tác động từ đại dịch Covid-19.
Châu Mỹ
Theo số liệu từ dự án theo dõi Covid-19 của Mỹ, số bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện của nước này đã lên tới hơn 89.900 người, phá mức kỷ lục trong ngày thứ 16 liên tiếp, trong bối cảnh nhiều bệnh viện và trung tâm y tế cảnh báo sắp rơi vào tình trạng quá tải.
Trong bối cảnh đó, người dân Mỹ bắt đầu đón lễ Tạ ơn vào ngày 26-11 có phần khác với truyền thống mọi năm, khi các sự kiện tập trung đông người bị hạn chế và nhiều gia đình đã tổ chức gặp mặt bằng hình thức trực tuyến. Giới chức y tế nước này cũng khuyến khích người dân chỉ tổ chức lễ Tạ ơn với các thành viên trong cùng hộ gia đình.
Châu Phi
Ngày 26-11, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi cho biết, châu lục này đã ghi nhận tổng cộng 2.106.931 ca mắc Covid-19 và 50.628 bệnh nhân tử vong. Khu vực phía Nam là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó Nam Phi là nước có số ca nhiễm cao nhất châu lục với hơn 778.000 trường hợp mắc và hơn 21.000 ca tử vong do Covid-19.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi John Nkengasong lo ngại, châu lục này có thể sẽ phải đợi tới giữa năm 2021 mới có thể triển khai việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 trên diện rộng, chưa kể tới những khó khăn về cơ sở vật chất. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hối thúc các nước châu Phi nâng cao năng lực y tế dự phòng để có thể tiêm chủng cho người dân trong thời gian sớm nhất.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.