Cơn bão Yagi (tháng 9/2024) gây thiệt hại nặng nề đối với Công ty TNHH 1 thành viên lâm nghiệp Vân Đồn. Đến nay sau 6 tháng, việc triển khai phục hồi diện tích rừng bị gãy đổ vẫn đang được đơn vị khẩn trương thực hiện.
Một góc nhỏ cánh rừng thông đang khai thác nhựa của Công ty TNHH 1 thành viên lâm nghiệp Vân Đồn bị gãy đổ gần như hoàn toàn
Theo thống kê thiệt hại của công ty, rừng rừng keo sản xuất hiện có 943,22ha trong đó thiệt hại hoàn toàn (trên 70%) là 629,82 ha, thiệt hại nặng (30 - 50%) là 313,4ha. Diện tích rừng thông sản xuất với tổng diện tích 199,477ha, trong đó thiệt hại hoàn toàn là 26,077ha, thiệt hại nặng (từ 30-50%) là 42,2ha, thiệt hại một phần (dưới 30%) là 131,2 ha. Ngoài ra diện tích rừng trồng thay thế của công ty thiệt hại nặng nề lên tới hàng trăm ha.
Bão số 3 còn gây ra thiệt hại rất lớn đối với rừng trồng của các hộ nhận khoán của công ty theo Nghị định số 01/1995, NĐ 135/2005; NĐ 168/2016, gãy đổ trên 70% là 3.680,3ha, gãy đổ 50-70% là 534,4ha, đổ từ 30-50% là 270,3ha, dưới 30% là 312,6 ha. Tổng diện tích bị thiệt hại của các hộ là 4.797,6ha.
Gốc thông lấy nhựa có độ tuổi hàng mấy chục năm tuổi bị gãy đổ khiến việc khai thác của các hộ gia đình nhận khoán ảnh hưởng
Việc tận thu thông bị gãy đổ để lấy gỗ gần như không hiệu quả
Bà Từ Hồng Minh - đại diện Công ty TNHH 1 thành viên lâm nghiệp Vân Đồn cho biết: “Đến nay việc khắc phục, khôi phục sản xuất của công ty còn vướng nhiều khó khăn nhất là nguồn lực vay vốn, chính sách hỗ trợ. Để khôi phục lại diện tích rừng như trước phải mất rất nhiều về thời gian, sức người, sức của. Thiệt hại của công ty và các hộ nhận khoán rừng cũng phải lên tới hàng trăm tỷ đồng”.
Ngay sau khi bão Yag đi qua công ty đã huy động nhân lực, vật lực khắc phục diện tích rừng bị gãy đổ.
Đối với rừng trồng trên đất rừng sản xuất bằng nguồn vốn vay, vốn huy động khác của công ty với diện tích bị thiệt hại hoàn toàn (trên 70%) diện tích 655,897ha (rừng trồng keo tập trung, rừng thông khai thác nhựa) công ty tổ chức khai thác tận thu diện tích cây có trữ lượng và phần diện tích chưa có trữ lượng làm biên bản xin huỷ, đưa vào kế hoạch trồng rừng năm 2025 từ nguồn vốn công ty. Diện tích bị thiệt hại từ (30-50%) và ( dưới 30%) là 486,8ha, công ty tiến hành theo dõi, tu bổ, chăm sóc... theo quy định bằng nguồn vốn của đơn vị.
Công ty TNHH 1 thành viên lâm nghiệp Vân Đồn đã trồng thông mới trên diện tích bị gãy đổ
Đối với rừng trồng thay thế bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước với diện tích bị thiệt hại hoàn toàn (trên 70%) và đổ (50 - 70%) diện tích 8,0 ha thì công ty báo cáo xin được làm biên bản huỷ, giảm phần diện tích thực hiện tại các quyết định UBND tỉnh Quảng Ninh giao. Điện tích thiệt hại dưới 50% là 123,3ha công ty tiến hành tu bổ, chăm sóc theo dõi sinh trưởng và phát triển của rừng.
Bà Minh chia sẻ thêm: “Nhiều hộ gia đình nhận khoán diện tích rừng trồng ảnh hưởng nặng nề, kèm theo biết bao công nhân ảnh hưởng. Về lâu dài vấn đề bố trí việc làm, thu nhập cho người lao động của công ty đang là thách thức không hề nhỏ, trong khi đó việc khôi phục rừng keo cho đến khi thu hoạch phải ít nhất 5-6 năm còn đối với, rừng thông để cho thu hoạch nhựa phải mất đến hàng chục năm trở lên”.
V. Hùng
Nguồn giadinhonline.vn
Link bài gốchttps://giadinhonline.vn/hoi-sinh-rung-o-huyen-dao-van-don--quang-ninh-d205379.html