Từ “Canh Tân Hội quán”…
Một buổi sinh hoạt của các thành viên Hội Quán Tân Quê, TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: K.V)
Đây là tên của mô hình Hội quán đầu tiên ở ấp An Hòa, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Vốn dĩ là nông dân thứ thiệt của miệt vườn miền Tây, ông Lê Thành Lộc, người dân ấp An Hòa quanh năm lăn lộn cùng ruộng đồng, bao mùa mưa nắng là bấy nhiêu gian khó tìm kế sinh nhai trên mảnh đất quê hương. Lúc rảnh việc đồng áng, ông cùng những người bạn nông dân bàn chuyện làm ăn, mong sao cho nông sản không ế ẩm, việc phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, mùa màng tốt tươi…, ông nói: “ Tụi tôi bàn miết cả năm mà vẫn chưa ra, đang bí thì gặp được ông Sáu Hoan (ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - PV) về thăm, chuyện nổ như pháo rang, và không ngờ sau bữa ấy, Hội quán của tụi tôi ra đời”.
Ông Lê Thành Lộc, sau này là Chủ nhiệm Canh Tân Hội quán cho hay, sau khi tính tới, tính lui, thống nhất tên gọi, nội qui, mục đích…của Hội quán, ngày 3/7/2016, Canh Tân Hội quán ra mắt với hơn 30 thành viên tham gia. Sau ba năm hoạt động, Canh Tân Hội quán giờ đã có hơn 100 thành viên, cùng quyết tâm tạo ra một sự thay đổi mạnh mẽ từ nhận thức, đến hành động, chính từ đây mà công việc sản xuất nông nghiệp của người nông dân đã đi vào thực chất, tạo ra một hiệu ứng lan tỏa rộng khắp.
Cũng theo ông Lộc, Canh Tân Hội quán là mô hình do nông dân tự nguyện lập ra, dưới hình thức liên kết nhằm sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, các kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường, tiêu thụ nông sản thời hội nhập và chia sẻ những “chuyện làng, chuyện xóm”. Cũng bởi là tự nguyện, nên sự tham gia của bà con vào Hội quán rất cởi mở, không biên chế, không ngân sách, hoạt động đơn thuần là hướng đến sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con.
Ông Lộc tâm sự, ban đầu, mấy anh em làm chiếc chòi nhỏ ngồi uống cà phê, sau dần cơi nới rộng thêm để các thành viên có chỗ ngồi mỗi khi nắng mưa. Thời gian sinh hoạt của Hội quán rất linh hoạt, tùy theo điều kiện, các thành viên tự thỏa thuận sao không ảnh hưởng đến việc sinh kế, mùa màng, ruộng vườn, mà vẫn đảm bảo việc chăm lo cho gia đình....
Ông Nguyễn Quốc Dũng, một thành viên của Canh Tân Hội quán cho biết, ở đây người nông dân vui lắm, rất mong chờ đến chiều cuối tuần, bởi cứ xong việc ruộng vườn, nhà cửa, khoảng chiều tối thứ 7 hàng tuần, những nông dân ở xã An Nhơn lại đến với Hội quán để bàn chuyện làm ăn, bàn chuyện thôn, ấp. Ông Dũng cho biết thêm, trước đây bà con vẫn hay canh tác theo kiểu tư duy manh mún, khi thu hoạch đã dẫn đến tình trạng được mùa rớt giá, hoặc được giá thì mất mùa.
Từ có Hội quán ra đời, đây là nơi sinh hoạt, chia sẻ thông tin chung, nên đã hạn chế được tình trạng trên. Ở đây bà con chuyên trồng nhãn, cũng vì mạnh ai người nấy làm, do cách chăm sóc, tiếp cận thị trường nên nhiều năm sản phẩm kém chất lượng, rơi vào tình trạng ế ẩm. Nay thì bà con đã biết cách trồng nhãn an toàn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, đảm bảo chất lượng nên hầu như vụ nào, trái nhãn ở đây cũng bán được giá và thương lái, doanh nghiệp đến thu mua hết- ông Dũng tâm đắc nói.
Đây được xem như là tín hiệu vui, khi người nông dân đã nhận ra việc làm nông sản sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng mới chính là con đường khởi nghiệp làm giàu chân chính, đó cũng chính là cách tự lo cho chính mình, bởi chia sẻ kiến thức để giúp người khác cũng chính là tự giúp mình.
Đời sống kinh tế khá giả lên, nhiều thành viên của Canh Tân Hội quán đã chung tay làm phúc lợi xã hội, đó là tự nguyện hiến đất làm đường giao thông, đắp đê bao, xây cầu bê tông, thay cho những cây cầu khỉ bắc qua những con kênh, rạch trong xóm, ấp. Khoe với phóng viên, ông Lê Thành Lộc phấn khởi: “ Mấy chú lát đi vào sâu trong ấp, tụi tôi hô hào bà con đóng góp xây cầu đẹp lắm, chắc chắn lắm, tên cầu cũng đẹp nữa”. Quả thật, đi trên những con đường trải nhựa hay bê tông khang trang ở đây, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp những cây cầu được đặt tên nghe đã thấy ấm lòng: cầu Mơ Ước; cầu Đoàn Kết…
Một thành công lớn từ mô hình Canh Tân Hội quán ở An Nhơn, đó là sau một thời gian hoạt động hiệu quả, từ mô hình này đã thành lập nên Hợp tác xã nông sản an toàn An Hòa vào ngày 11/11/2017, cũng từ đây, Hợp tác xã đã thực hiện ký kết bán hàng với các doanh nghiệp và thương lái trong việc tiêu thụ sản phẩm với tư cách pháp nhân đầy đủ. Thông qua việc ký kết đã nâng cao ý thức cho người dân trong sản xuất trái cây, bảo đảm các yêu cầu, tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
“…Chúng ta có chấp nhận làm cuộc cách mạng mới trong mỗi người không? Và, nếu chấp nhận thì bắt đầu "buông bỏ" dần cái cũ không còn phù hợp để hướng đến cái mới tốt đẹp hơn. Tinh thần Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được thực hiện xuyên suốt trong cuộc sống chứ không chỉ dừng lại ở công tác quán triệt, sơ kết, tổng kết, không được hô hào khẩu hiệu suông.” (Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp) |
Tìm về với một trong những người đầu tiên khởi xướng ra Canh Tân Hội quán – đó là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, ông luôn nhắc đến những người nông dân ở ấp An Hòa, xã An Nhơn, huyện Châu Thành với tình cảm chân thành, thương mến. Những anh Hai, anh Ba, anh Tư…ở đó giờ như người ruột thịt của ông. Một tâm sự như gan ruột của ông với niềm tin vô cùng vào sự thành công của Hội quán, cho dù đây mới chỉ là những bước đi khởi đầu: “…Có thể thấy, ở một số nơi, Ban chủ nhiệm Hội quán nói chung còn mới mẻ, lúng túng trong vai trò dẫn dắt và thiết lập kế hoạch phát triển dài hạn. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp tâm sự: ”Nhưng có sao đâu, còn mới mà, miễn là có "tâm" trước đi đã, rồi "tầm" sẽ dần có thôi mà! Đôi lúc, cấp uỷ, chính quyền, ban ngành, đoàn thể, ngành chuyên môn còn thờ ơ. Tất cả là do chưa hiểu hết giá trị cốt lõi và lâu bền của mô hình Hội quán - một thiết chế để tạo dựng và phát triển năng lực cộng đồng làm nền tảng cho sự thay đổi - và từ sự thay đổi đó, sẽ chuyển hoá thành sức mạnh, thành nguồn lực, thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội…”
Ông Lê Minh Hoan cũng cho rằng, Hội quán là một thiết chế cộng đồng ở cơ sở, do đó chính cán bộ ở cơ sở nếu biết thẩm thấu hết các giá trị của Hội quán, trong đó vai trò tự quản chính là chia sẻ công việc trong quản trị xã hội cho cấp uỷ, chính quyền thì sẽ chăm lo, đồng hành với Hội quán. Đó là điều kiện để Hội quán ngày càng đông về số lượng và mạnh về chất lượng. Và như thế, bằng cách làm sáng tạo, Đồng Tháp đã “kích hoạt” người nông dân gắn kết lại với nhau tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng riêng của mình như nhãn, xoài Cao Lãnh, quýt Lai Vung, sen Tháp Mười, hoa Sa Đéc…
…
Đến những con số ấn tượng
Mô hình liên kết trồng hoa của Hội Quán Làng Hoa, TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: K.V)
Theo báo cáo mới nhất của ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp, cho đến tháng 8/2019, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã có 79 Hội quán được thành lập với trên 3 nghìn thành viên tham gia. Từ mô hình của Hội quán, đã có 15 hợp tác xã được thành lập và ngày càng phát triển với đa dạng ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Có thể thấy, từ "Canh Tân Hội quán" ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành ra đời đã đánh dấu sự vào cuộc của bà con nông dân tỉnh Đồng Tháp, cùng hành động, thay đổi tư duy sản xuất, từng bước tiếp cận, thích ứng với nền nông nghiệp ngày càng phát triển nhanh chóng nhờ vào Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng, bằng sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhất là việc kết nối với các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp để hỗ trợ, tạo điều kiện để Hội quán ra đời và phát triển, mô hình này đang ngày càng được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Với cơ sở vật chất ban đầu phục vụ cho sinh hoạt phần lớn do nhân dân tự nguyện đóng góp, cơ quan, doanh nghiệp chỉ hỗ trợ một phần, như bàn ghế, thiết bị công nghệ thông tin…, mỗi Hội quán được hỗ trợ ở mức cực kỳ khiêm tốn, thậm chí chỉ 100 nghìn đồng/tháng từ nguồn vốn Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp.
Tuy nhiên, các Hội quán đã chủ động xây dựng quy chế, đề ra chương trình hoạt động theo định kỳ hàng tuần, 2 tuần hoặc 1 tháng 1 lần. Nội dung sinh hoạt của các Hội quán rất phong phú do các thành viên tự quyết định với hình thức bàn luận, trao đổi cách làm mới, hiệu quả, xem phim tư liệu, nghe các nhà khoa học, doanh nghiệp chia sẻ về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và liên kết tiêu thụ hàng nông sản; bàn chuyện nhà, chuyện làng xóm,… phục vụ cho lợi ích của chính các thành viên.
Ở môi trường Hội quán, các ban ngành đoàn thể đều có thể tới để tiếp xúc, nói chuyện bàn bạc với bà con mọi lĩnh vực. Lúc thì cán bộ Công an tới tuyên truyền pháp luật, khi thì Hội Phụ nữ phổ biến chăm sóc sức khỏe gia đình, hay các cán bộ ngành nông nghiệp đến hướng dẫn bà con cách sản xuất theo công nghệ sạch…
Qua Hội quán đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo, điển hình như mô hình “Cây xoài nhà tôi” xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, đã bán được 224 cây xoài các loại với số thành viên tham gia mô hình là 27 thành viên, được tổng số tiền trên 830 triệu đồng, có 32 đoàn khách đến tham quan để cùng thu hoạch và giao lưu với các nhà vườn. Hay mô hình “Cây cam vườn tôi” của Đông Tân Hội quán, xã Tân Thuận Đông, TP.Cao Lãnh, đến nay đã bán được 40 cây, với số tiền là 400 triệu đồng. Thông qua mô hình Hội quán đã giúp cho nhà vườn, hợp tác xã quảng bá thương hiệu Xoài Cao Lãnh, Cam Cao Lãnh…mà không cần tốn phí, nhờ việc thông qua khách tham quan đến thăm, và mua sản phẩm của địa phương.
Bên cạnh đó, khách đến tham quan các nhà vườn cũng được thưởng thức các món ăn ngon làm từ trái cây, vật nuôi. cũng như tham gia các hoạt động giải trí thú vị tại các nhà vườn,… qua khách tham quan, nhà vườn cũng học hỏi, tìm hiểu được nhu cầu thực tế của khách để cải thiện hơn nữa dịch vụ của mình, góp phần thúc đẩy mô hình phát triển du lịch cộng đồng.
Ghi nhận trong thời gian qua, Hội quán hoạt động như một thiết chế xã hội tự quản, đã giúp cho người dân từng bước khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, dần thể hiện và phát huy được tinh thần đoàn kết, khẳng định tính tự nguyện, tự chủ, tự quản đối với công việc của mình và của cộng đồng. Người dân bắt đầu chuyển từ thói quen sản xuất nhỏ lẻ, đến tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác với doanh nghiệp đầu tư và tiêu thụ sản phẩm, phục vụ tốt nhu cầu thị trường, đặc biệt là sản xuất hàng hoá uy tín, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, như tâm niệm của bà con nông dân ở Minh Tâm Hội quán - Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh: "Sản xuất, mua bán nông sản là trao đi sức khoẻ, nhận lại niềm tin từ người tiêu dùng".
Trong hoạt động của Hội quán, ngoài chuyện sản xuất và làm ăn, còn là nơi bàn chuyện đời sống, giải quyết các vấn đề chung của xã hội, làm đường, xây cầu, nhà ở, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự,.... Từ đó thay đổi dần quan điểm, cách sống người dân trong giải quyết vấn đề cộng đồng, từng bước xác định “chuyện chung của xã hội là chuyện chung của từng người, từng gia đình, mọi người đều có trách nhiệm tham gia thực hiện”; huy động nguồn lực xã hội để xây dựng nông thôn mới của địa phương. Điển hình, tại Đồng Tâm Hội quán, xã Tịnh Thới vận động 10 suất học bổng, xây 02 cầu bê tông, xây 2 nhà tình thương tổng trị giá 573 triệu đồng; Thuận Tân Hội quán xã Tân Thuận Tây đã vận động nhân dân hiến đất và vật kiến trúc thực hiện tuyến đường bê tông ở tổ 5, ấp Tân Dân chiều dài là 400m, kinh phí đầu tư 90 triệu, sư thầy Thích Thiện Xuân đã ủng hộ hội quán hơn 3 tỷ đồng để xây một cây cầu và đoạn đường nhựa 220m; Canh Tân Hội quán, xã An Nhơn, huyện Châu Thành đã vận động nhân dân tham gia xây dựng gần 7.000m đường nông thôn, xây 5 cây cầu, với số tiền trên 2 tỷ đồng,...
“…Thông qua mô hình hội quán đã dần xuất hiện tư duy lớn cho mô hình kinh tế tập thể; tư duy sản xuất nông nghiệp đã chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp thị trường, hàng hóa, lấy chất lượng là tiên phong.” (Ông Lê Phước Tánh- Phó Chủ nhiệm Thuận Tân Hội quán) |
Bên cạnh đó, Hội quán là nền tảng để phát triển Hợp tác xã theo Luật năm 2012. Hầu hết các Hội quán ra đời đều gắn với ít nhất một ngành nghề, mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương, bước đầu hướng các thành viên trở thành những hạt nhân tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từ đó, giúp hình thành các mối liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu,… mở ra hướng phát triển kinh tế tập thể.
Theo đó, từ Canh Tân Hội quán (xã An Nhơn, huyện Châu Thành) đã thành lập Hợp tác xã nông sản an toàn An Hòa; từ Thanh Long Hội quán (xã Phú Hựu, huyện Châu Thành) thành lập Hợp tác xã Thanh Long; từ Thành Tâm Hội quán (xã Phong Hòa, huyện Lai Vung) thành lập Hợp tác xã nông sản sạch Vĩnh Thới; Hòa Tâm Hội quán (xã Phong Hòa, huyện Lai Vung) thành lập Hợp tác xã thanh long Phong Hòa; Minh Long Hội quán (xã Bình Hàng Tây, huyện Cao Lãnh) thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bình Hàng Tây.v.v…
Có thể khẳng định, mô hình Hội quán nông dân tại Đồng Tháp đã phát triển tinh thần cộng đồng, tinh thần tổ chức của người dân, tự vươn lên với khát vọng khởi nghiệp, liên kết, hợp tác làm giàu, xây dựng nông thôn mới tại địa phương, trên cơ sở đổi mới phương thức vận hành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Giúp Nhà nước chuyển từ vai trò điều hành chương trình sang vai trò định hướng, hỗ trợ phát triển, phát huy tốt nhất tinh thần làm chủ của người dân trong giải quyết các vấn đề chung xã hội, bắt đầu từ việc nhỏ, đơn giản nhưng mang tính cấp thiết, có sự đồng lòng, nhất trí cao của cộng đồng trong phương thức giải quyết vấn đề... Với tinh thần dám nghĩ, dám làm của cá nhân và tập thể cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, đã giúp Đồng Tháp vươn lên làm giàu chính đáng từ việc xây dựng, phát triển mô hình Hội quán và nâng lên thành các mô hình Hợp tác xã kiểu mới theo tinh thần Nghị quyết của Đảng đề ra./..