(HNM) - Hội nghị trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc nhằm thảo luận các vấn đề về hợp tác trong nhiều lĩnh vực then chốt đã kết thúc vào tối 14-9 vừa qua. Tuy không có kết quả nào mang tính đột phá, nhưng việc nỗ lực duy trì đối thoại cho thấy hai nền kinh tế lớn này đều mong muốn thúc đẩy hợp tác vì lợi ích của cả hai bên.
Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến EU - Trung Quốc thứ hai trong năm 2020 diễn ra với sự đồng chủ trì của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von de Leyen, Thủ tướng Đức Angela Merkel - quốc gia đang nắm giữ nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trước đó, các bên đã lên kế hoạch và đặt kỳ vọng vào một cuộc họp trực tiếp tại thành phố Leipzig ở miền Đông nước Đức với mục tiêu chính là xây dựng thỏa thuận toàn diện về đầu tư EU - Trung Quốc. Song, do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã thu hẹp sự kiện này thành một cuộc họp trực tuyến.
Đầu năm 2019, EC đã đưa ra đánh giá và định hướng cho chiến lược của EU với Trung Quốc, trong đó nhận định Bắc Kinh vừa là đối thủ cạnh tranh chiến lược vừa là đối tác thương mại lớn. Sau Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên diễn ra theo hình thức trực tuyến giữa hai bên hồi tháng 6-2020, Chủ tịch EC U.Leyen đã khẳng định rằng không thể định hình thế giới tương lai mà thiếu vắng đi quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa EU và Trung Quốc.
Do đó, bên cạnh các chủ đề về khí hậu, hợp tác kỹ thuật số, phòng, chống đại dịch Covid-19…, một thời lượng lớn tại hội nghị đã được dành để bàn về quan hệ thương mại - đầu tư song phương. Song, trước khi đạt được bất kỳ thỏa thuận nào, EU muốn bảo đảm rằng Trung Quốc đáp ứng các nghĩa vụ của mình với một môi trường đầu tư minh bạch, có thể dự đoán và chắc chắn về mặt pháp lý. Trong thông điệp cứng rắn gửi tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị, cả 3 quan chức cấp cao EU đều hối thúc Bắc Kinh mở cửa mạnh mẽ hơn nữa thị trường nội địa theo nguyên tắc có đi, có lại và cạnh tranh công bằng. Chủ tịch Hội đồng châu Âu C.Michel khẳng định, châu Âu không chỉ là "sân chơi" mà còn là "người chơi" và khối này không chấp nhận việc tiếp tục chịu thiệt thòi trong quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Quốc. Hiện châu Âu là thị trường lớn nhất của hàng hóa Trung Quốc, trong khi Trung Quốc chỉ là thị trường lớn thứ hai cho hàng hóa và dịch vụ của EU, sau Mỹ. EU cũng cho rằng, các công ty của họ đang hoạt động ở Trung Quốc không được hưởng mức độ minh bạch và sự cạnh tranh công bằng như các công ty Trung Quốc tại Lục địa già.
Theo Tân Hoa xã, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí với các nhà lãnh đạo EU về đẩy nhanh tốc độ đàm phán để kết luận thỏa thuận vào cuối tháng 12-2020. Chủ tịch EC U.Leyen cũng xác nhận các tiến bộ đã đạt được trên một số mặt, bao gồm trợ cấp nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Trước những rào cản còn tồn tại, EU trông chờ động thái thiện chí từ Trung Quốc trong nỗ lực đạt được một thỏa thuận chung. Tuy nhiên, việc không gặp gỡ trực tiếp dường như đã ảnh hưởng phần nào tới hiệu quả hội nghị. Các nhà đàm phán vẫn chưa đạt được bước tiến nào đáng chú ý, đồng thời câu hỏi liệu có đạt được một thỏa thuận vào cuối năm nay hay không vẫn còn bỏ ngỏ.
Một tín hiệu khả quan tại hội nghị là các bên cùng cam kết sẽ nhóm họp trực tiếp giữa lãnh đạo các nước thành viên EU và Trung Quốc khi điều kiện về y tế cho phép. Nỗ lực duy trì đối thoại bất chấp những trở ngại do đại dịch Covid-19 cũng là dấu hiệu tích cực cho thấy hai nền kinh tế lớn này đều mong muốn thúc đẩy đà hợp tác vì lợi ích của cả hai bên.