(HNM) - Trong Tuyên bố chung đưa ra sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại thủ đô London của Anh, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đạt được đồng thuận trong một số lĩnh vực nhưng điều đó không đủ khỏa lấp những bất đồng và sự rạn nứt giữa nhiều nước thành viên.
Trong số các vấn đề đạt được nhất trí cao tại hội nghị, theo Tổng Thư ký Jens Stoltenberg, nổi bật hơn cả là việc lần đầu tiên NATO đề cập đến sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc, cả trên khía cạnh cơ hội lẫn thách thức cũng như tác động của điều này đến các nước thành viên. Các lãnh đạo khối nhất trí rằng, NATO cần ứng xử với Trung Quốc với tư cách một liên minh và phải tìm giải pháp để khích lệ Bắc Kinh tham dự vào các thỏa thuận kiểm soát vũ khí.
Ngoài ra, Tuyên bố chung của NATO cũng chỉ trích Nga, nhưng cho biết vẫn mở rộng cánh cửa đối thoại với Nga nhằm thiết lập một mối quan hệ có tính xây dựng. Bên cạnh đó, NATO còn tuyên bố không gian vũ trụ sẽ là phạm vi tác chiến mới, nhấn mạnh đến việc các nước đồng minh trong khối cần bảo đảm an ninh về mặt viễn thông, bao gồm cả công nghệ kết nối 5G. Đây là lĩnh vực mà trong thời gian qua, Mỹ luôn thúc giục các đồng minh trong NATO phải áp dụng một chính sách cứng rắn nhằm hạn chế ảnh hưởng của các nhân tố mới nổi.
Mặc dù vậy, hội nghị thượng đỉnh diễn ra đúng dịp NATO vừa kỷ niệm 70 năm thành lập vẫn cho thấy hàng loạt bất đồng còn tồn tại, đặc biệt là vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ. Trước sức ép lớn từ các đồng minh, Ankara buộc phải từ bỏ việc chống lại kế hoạch phòng thủ các nước Baltic. NATO cũng từ chối đưa lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria vào danh sách khủng bố như yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, mặc dù Pháp không cho rằng Nga và Trung Quốc là đối thủ của NATO, các thành viên ở Đông Âu và Baltic lại luôn có xu hướng lo sợ về ảnh hưởng của Mátxcơva. Nặng nề hơn, ngay lãnh đạo các quốc gia thành viên NATO cũng có những khúc mắc riêng chưa thể hòa giải. Từ trước khi cuộc họp diễn ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có những lời lẽ nặng nề nhằm vào nhau.
Thậm chí, tới ngày họp cuối cùng, người đứng đầu nước Mỹ đã hủy bỏ cuộc họp báo chung và lên tiếng chỉ trích Thủ tướng Canada Justin Trudeau sau khi xuất hiện một đoạn video mà trong đó nhiều nguyên thủ NATO được cho là đã có những lời nói không mấy tốt đẹp về ông chủ Nhà Trắng.
Tuy nhiên, vượt qua những mâu thuẫn riêng, lãnh đạo các nước thành viên NATO vẫn nhất trí cần tiếp tục thảo luận về đường hướng tương lai của khối sau khi có các tranh cãi gay gắt trong nội bộ về các phát biểu gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng NATO đang “chết não” vì thiếu định hướng chính trị và sự phối hợp ở tầm cao.
Nỗ lực tìm kiếm lối đi mới là cần thiết trong bối cảnh tổ chức này cũng đang đối mặt với những rạn nứt nghiêm trọng. Sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, NATO không có đối thủ trên thực tế. Để duy trì sự gắn kết, liên minh quân sự lớn nhất thế giới từng thử nghiệm các học thuyết mới về can thiệp nhân đạo, chống khủng bố thông qua chiến tranh ở Nam Tư, Afghanistan… nhưng rõ ràng là những mục tiêu đó chưa đủ mạnh để kết nối lợi ích các nước thành viên.
Trong bối cảnh NATO đang có những “khủng hoảng” nhất định khi môi trường chính trị toàn cầu có nhiều đổi thay, hội nghị thượng đỉnh lần này tại London đã đạt những kết quả quan trọng khi xác định được mục tiêu phát triển và con đường đi của khối. Tuy nhiên, nếu không sớm giải quyết được các bất đồng nội bộ, tính liên kết của liên minh quân sự sẽ bị suy giảm, ảnh hưởng tới vị thế và vai trò của tổ chức này trên trường quốc tế.