(HNM) - Sau những nỗ lực mở cửa trở lại và khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, Lục địa già một lần nữa chao đảo trước đại dịch Covid-19. “Tất cả chúng ta đang ngồi chung trên một chiếc thuyền” - Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khẳng định như vậy khi phát biểu bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tuần qua, nhằm bàn cách thức ứng phó với đại dịch đang bao trùm toàn bộ châu lục.
Hội nghị trực tuyến của các nhà lãnh đạo hàng đầu EU lần này diễn ra trong bối cảnh nhiều nước thành viên đã phải tái phong tỏa hoặc áp đặt trở lại các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt. Tuần trước, Tây Ban Nha đã trở thành quốc gia EU đầu tiên có trên một triệu ca mắc Covid-19, còn một số nước khác như Pháp, Đức, Anh, Hà Lan… cũng ghi nhận số ca nhiễm tăng chóng mặt theo cấp số nhân.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải thừa nhận rằng, châu Âu thực sự bất ngờ trước quy mô và mức độ của làn sóng Covid-19 mới. Hôm 27-10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, số ca tử vong do Covid-19 tại châu Âu đã tăng gần 40% trong một tuần. Ngay cả những khu vực từng được đánh giá là đã kiểm soát tốt làn sóng lây nhiễm đầu tiên cũng không tránh khỏi tình trạng phải vật lộn với số ca nhiễm mới tăng nhanh.
Vấn đề được ưu tiên của các nhà lãnh đạo châu Âu hiện nay là tìm giải pháp để kiểm soát làn sóng Covid-19 thứ hai. Châu Âu từng chứng kiến sự càn quét của làn sóng lây nhiễm thứ nhất mà không hề có sự chuẩn bị và có phần chủ quan khi triển khai các biện pháp xét nghiệm, truy vết nguồn lây. Từ bài học “xương máu” này, mục tiêu của các quốc gia Lục địa già vẫn là làm chậm lại tốc độ lây lan để có thời gian tăng cường năng lực và triển khai hệ thống xét nghiệm, khoanh vùng trong khi chờ đợi một loại vắc xin an toàn, hiệu quả.
Một trong những mục tiêu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh EU lần này là thống nhất phối hợp phòng, chống dịch Covid-19 quyết liệt hơn trên quy mô toàn khối, thay vì chỉ dừng lại ở các biện pháp của từng quốc gia như trước đây. Cuộc thảo luận chỉ kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ, song các nhà lãnh đạo của liên minh đã tìm được tiếng nói chung để thực hiện mục tiêu trên, trong nhiều vấn đề được coi là trụ cột, như: Phân phối vắc xin, xét nghiệm, truy vết qua ứng dụng cảnh báo sớm trên các thiết bị di động...
Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu C.Michel, các nhà lãnh đạo khối nhất trí sẽ phân phối đồng đều vắc xin cho các nước thành viên, ngay khi các loại vắc xin ngừa Covid-19 an toàn và hiệu quả được đưa vào sử dụng. EU cũng đang nỗ lực mở rộng nguồn cung vắc xin. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, liên minh hiện đang có hợp đồng mua sản phẩm tiềm năng từ 3 công ty dược phẩm là AstraZeneca, Sanofi và Johnson & Johnson, đồng thời đang tiếp tục đàm phán để mua thêm từ 4 nhà cung cấp khác.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo EU cũng cho rằng, cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 cần một cách tiếp cận chung trong việc mở rộng và triển khai xét nghiệm nhanh. Trước đó, EC đã đề xuất việc áp dụng trên toàn khối phương pháp xét nghiệm kháng nguyên cho kết quả nhanh hơn xét nghiệm sinh học phân tử. Khoảng 100 triệu euro sẽ được trích ra từ ngân sách khối để tài trợ cho kế hoạch này, cùng với sự đóng góp của các thành viên. Ngoài ra, khả năng tương tác của các ứng dụng truy vết tiếp xúc người nhiễm Covid-19 đang được xem xét để có sự tương thích giữa các nước.
Chủ tịch EC U.Leyen nhấn mạnh, không quốc gia thành viên nào có thể an toàn trước cuộc khủng hoảng đến khi thế giới kiểm soát được dịch Covid-19. Do đó, châu Âu cần sự đoàn kết và nỗ lực chạy đua với thời gian trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch.