Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, nhiều hộ dân sinh sống tại các xã Đồng Tâm, xã Lạc Long, khu 13 - thị trấn Chi Nê đang phải gồng mình hứng chịu mùi hôi nồng nặc, khói bụi khét lẹt phả ra từ Nhà máy xử lý rác thải của Cty Hòa Bình. Cùng với đó là tiếng xe tải chở rác thải chạy ầm ầm bất kể ngày đêm, khiến đời sống, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng rất nặng nề. Đặc biệt, mỗi khi trời âm u, mưa phùn, mùi hôi thối bốc ra từ Nhà máy càng khó chịu.
Ông N.V.Q - người dân xã Đồng Tâm cho biết, khoảng tháng 8/2019, ông và một số người dân nhìn thấy, tại con suối bắt nguồn từ chân núi, ngay sát cổng Nhà máy, cá chết hàng loạt, trâu bò uống nước suối cũng bị bệnh, nước bốc mùi hôi thối. Bức xúc về tình trạng trên, ông cùng nhiều người đã tìm hiểu và phát hiện, nước thải của Nhà máy chảy ra đường ống ngầm dẫn tới chân núi và hòa vào nước suối gây ô nhiễm.
Theo ông Q: “Trước đây, khi chưa có Nhà máy, nước suối trong xanh, mát rượi, chúng tôi thường ra đây bắt cá, lấy nước tưới tiêu, sinh hoạt, giặt giũ. Nhưng từ khi thấy nhiều cá chết trên suối, chúng tôi không dám dùng nước suối và chăn thả gia súc, gia cầm, gieo trồng hoa màu trên những mảnh đất, thửa ruộng quanh khu vực này nữa".
Bức xúc về tình trạng ô nhiễm trên, người dân đã báo cáo lên chính quyền xã, huyện. Sau đó, cơ quan chức năng đã đến lấy mẫu nước suối để phân tích, rồi thông báo, nước “nằm trong phạm vi an toàn”.
Ông N.V.Q bức xúc: Nếu an toàn, tại sao cá lại chết nhiều như vậy, trâu bò đổ bệnh, chân tay người dân lở loét?
Không chỉ có nước thải, người dân cũng phải chịu đựng cả khói bụi, khí thải phát sinh từ hệ thống lò đốt của Nhà máy. Sống cách Nhà máy hàng trăm mét, gia đình ông H.T.L (thị trấn Chi Nê) thường xuyên phải đóng kín cửa bởi khói bụi, mùi khét nồng nặc phả ra từ Nhà máy.
Nhiều người bị nhức đầu, chóng mặt do thường xuyên hít phải khí thải độc hại, đặc biệt, một số người già, trẻ nhỏ mắc các bệnh về hô hấp, viêm xoang. Một số hộ gia đình phải chuyển khỏi khu vực vì không thể chịu nổi mùi hôi thối, khói bụi, tiếng ồn từ Nhà máy.
Một số người dân cho rằng, họ có cơ sở để nghi vấn Nhà máy xử lý rác thải đã đào hố, chôn lấp chất thải nguy hại (CTNH) trái phép trong khuôn viên. Từ nhiều tháng nay, người dân đã bí mật theo dõi, chụp ảnh, quay clip gửi chính quyền địa phương và báo chí.
Qua hình ảnh người dân cung cấp cho thấy, trong khuôn viên Nhà máy, ở ngoài trời, các loại bùn thải màu đen được đựng trong các bao tải dứa, miệng túi để hở, nằm ngổn ngang, chất đống trên nền đất. Cạnh đó là những đống tro xỉ màu xám được trộn lẫn với đất cát và một ít rác thải sinh hoạt.
Một người dân trong xã Đồng Tâm (xin được giấu tên) bày tỏ nghi ngờ: “Sự việc chôn lấp CTNH của Nhà máy có thể diễn ra từ lâu, nhưng chúng tôi phải rất khó khăn mới chụp được ảnh. Vì Nhà máy có quy định, người lạ không được phép vào, công nhân khi qua cổng Nhà máy, phải để lại điện thoại có chức năng chụp ảnh, ghi hình tại phòng bảo vệ. Thậm chí ngay tại khu xử lý, chỉ những công nhân có tên trong danh sách Công ty quy định, mới được phép ra, vào. Rõ ràng, phải có vấn đề gì “khuất tất” thì Nhà máy mới có quy định bất thường như vậy!”.
Ông H.T.L cũng cho biết, nhiều cơ quan của huyện, tỉnh đã về Nhà máy làm việc, nhưng đến nay, vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho người dân.
Về nghi vấn nhà máy rác thải gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống người dân, ông Trịnh Xuân Nghị - Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết: “Cho đến nay, xã chưa nhận được đơn thư nào của người dân phản ánh về việc gây ô nhiễm môi trường của Nhà máy mà chỉ nghe đồn thôi. Ngoài ra, xã cũng không có chức năng kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của Nhà máy, chức năng đó thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình, cũng như Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện. Để làm việc với Nhà máy, chúng tôi (cả xã và huyện) cũng phải đặt lịch hẹn trước với lãnh đạo Cty”.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Đinh Thanh Hà - Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Lạc Thủy cho biết, qua kiến nghị của cử tri, huyện có thành lập Đoàn kiểm tra đến Nhà máy, tuy nhiên, thời điểm cách đây khá lâu. Cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã về lấy mẫu nước nhưng tại sao lãnh đạo xã, huyện lại trả lời không nắm được điều đó, dù ngay trên địa bàn quản lý?