Nguồn vốn ưu đãi của Ngâ hàng chính sách xã hội đã giúp hàng nghìn hội viên
CCB tỉnh Thái Bình vươn lên phát triển kinh tế. (Ảnh: MH)
Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Bình (CCB) hiện có có 405 Hội cơ sở (286 xã, phường, thị trấn và 119 Hội khối cơ quan, doanh nghiệp) với tổng số trên 103 nghìn hội viên. Trong đó, có khoảng 91% hội viên đang cư trú tại các xã, phường, thị trấn; 30% hội viên hưởng lương hưu, mất sức lao động hoặc các chế độ trợ cấp ưu đãi thường xuyên; 70% hội viên trực tiếp lao động. Những năm qua, Hội CCB tỉnh Thái Bình đã tích cực triển khai nhiều biện pháp chỉ đạo điều hành hoạt động vay vốn ở các cấp Hội, kịp thời xử lý, giải ngân các nguồn vốn mới đến đối tượng thụ hưởng giúp hộ vay có vốn sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống hội viên, giảm nghèo bền vững.
Theo đó, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội, trong 5 năm (2014 - 2019), Hội CCB tỉnh Thái Bình đã chủ động phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) chỉ đạo cơ sở thường xuyên củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động của tiết kiệm và vay vốn theo địa bàn dân cư. Tích cực tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân tham gia tiền gửi tiết kiệm góp phần tăng thêm nguồn vay đến sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế địa phương.
Cùng với đó, để nâng cao chất lượng hoạt động nhận ủy thác cho vay, các cấp Hội CCB trên địa bàn tỉnh đã tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy và phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương tổ chức họp bình xét công khai cho các hộ nghèo và các đối tượng được thụ hưởng tín dụng ưu đãi nguồn vốn của Nhà nước trên địa bàn thôn, xóm. Thường xuyên kiện toàn Tổ tiết kiệm và vay vốn, đồng thời đôn đốc các cấp hội kiểm tra 100% các món vay mới trong vòng 30 ngày kể từ ngày giải ngân các hộ vay. Hội CCB còn làm tốt việc kiểm tra, giám sát nguồn vốn vay của tổ chức Hội và chương trình cho vay nhận ủy thác NHCSXH. Thông qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện những tồn tại, vướng mắc trong công tác chỉ đạo, quản lý nguồn vốn, công tác thu lãi và thu tiền gửi tiết kiêm, từ đó tìm ra hướng giải quyết, tháo gỡ.
Ông Đoàn Văn Thế, hội viên Hội CCB thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà (Thái Bình) chia sẻ: “Nguồn vốn vay ưu đãi hơn 30 triệu đồng của NHCSXH do Hội CCB nhận ủy thác đã giúp gia đình tôi có thêm điều kiện để đầu tư mở rộng sản xuất. Đến nay, mô hình trang trại của gia đình tôi đã mang lại thu nhập bình quân khoảng gần 100 triệu đồng/năm. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất”.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Thái Bình, tính đến ngày 30/6/2019, tổng dư nợ vốn vay của NHCSXH ủy thác qua Hội CCB tỉnh đạt trên 415 tỷ đồng cho gần 14.400 khách hàng vay vốn thông qua 464 tổ tiết kiệm và vay vốn bao gồm các chương trình vay: Vay hộ nghèo, vốn vay học sinh sinh viên; vay giải quyết việc làm; vay xuất khẩu lao động; vay nhà ở xã hội…. 100% Hội CCB các huyện, thành phố nhận ủy thác vay vốn NHCSXH, cấp cơ sở có 264/286 Hội CCB xã, phường, thị trấn ký Hợp đồng ủy thác, Hợp đồng ủy nhiệm, tín chấp vay vốn NHCSXH, đạt 92% so với Hội cơ sở xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Bằng các nguồn vốn huy động cùng với vốn vay từ NHCSXH đã giải quyết cho 14.211 lao động là hội viên, con em hội viên CCB. Trong giai đoạn 2014 - 2019, hiệu quả từ việc hỗ trợ hội viên tiếp cận nguồn vốn NHCSXH đã giúp hàng vạn hội viên CCB có điều kiện phát triển kinh tế gia đình; đời sống hội viên được nâng lên rõ rệt. Cụ thể, số hộ CCB nghèo giảm nhanh từ 1,39% (năm 2014) xuống còn 0,67% (năm 2018); hộ cận nghèo 1,28% (năm 2014) xuống còn 0,95% (năm 2018); có trên 98% hộ CCB có mức sống từ trung bình trở lên.
Đặc biệt, trên cơ sở thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, việc sử dụng vốn vay đối với hội viên CCB và nhân dân trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã đạt được những hiệu quả thiết thực, giúp cho hội viên CCB nghèo, hộ cận nghèo có vốn sản xuất kinh doanh vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân nói chung và hội viên CCB nói riêng; học sinh, sinh viên là con, em hội viên CCB có điều kiện học hành tốt hơn. Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã cũng đã giúp cho hàng chục nghìn lao động ở vùng nông thôn có vốn để sản xuất kinh doanh, sửa chữa cải tạo nhà ở, ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn.
Tuy nhiên, việc hỗ trợ hội viên tiếp cận và sử dụng các nguồn tín dụng ưu đãi ở tỉnh Thái Bình còn có những tồn tại nhất định: Vai trò của các Tổ tiết kiệm và vay vốn chưa được phát huy thường xuyên; hoạt động giám sát sử dụng vốn của một số tổ chức Hội hiệu quả chưa cao; việc hướng dẫn, hỗ trợ hội viên tiếp cận tiến bộ kỹ thuật để sử dụng tốt vốn vay có thời điểm còn chưa thực sự bám sát thực tế và nhu cầu của hội viên...
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới các cấp Hội CCB tỉnh Thái Bình sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và các hội, đoàn thể tập trung chỉ đạo, tìm các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, điểm giao dịch tại xã, phường. Tích cực tuyên truyền và thông tin công khai các chủ trương chính sách liên quan đến tín dụng chính sách và tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng, trong đó có hội viên CCB tiếp cận vốn và sử dụng vốn vay có hiệu quả.
Thực tế cho thấy, các cấp Hội CCB tỉnh Thái Bình có vai trò quan trọng đặc biệt trong việc hỗ trợ hội viên CCB vay vốn phát triển kinh tế. Thông qua những hoạt động thiết thực, hiệu quả đã vừa khẳng định rõ vị trí, vai trò của tổ chức Hội, vừa tạo động lực để hội viên yên tâm phát triển kinh tế gia đình, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong toàn tỉnh./.