Kỳ 3: Cuộc chuyển rùa thú vị
Kỳ 1: Gặp ‘vua rùa’ Côn Đảo trên đất Cù Lao Chàm
Kỳ 2: Tàn sát rùa biển
Có thể nói, hành trình chuyển trứng rùa biển thành công từ Côn Đảo xa xôi về ấp nở trên đảo Cù Lao Chàm là một cuộc chuyển vị vô tiền khoáng hậu.
Cái “bắt tay” giữa 2 tỉnh
Kết thúc chuyến “tiền trạm” tìm hiểu lịch sử phát triển và suy vong của loài rùa trên đảo Cù Lao Chàm, thạc sĩ Lê Xuân Ái cùng Nguyễn Văn Vũ “thai nghén” ý tưởng phục hồi, bảo tồn loài động vật quý hiếm đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ” khỏi khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Nghĩ là làm, đề tài mang tên Phục hồi, bảo tồn rùa biển của Nguyễn Văn Vũ, với sự trợ giúp đắc lực của “vua rùa” Côn Đảo Lê Xuân Ái, được tỉnh Quảng Nam phê duyệt vào cuối năm 2016.
Cùng lúc này, chương trình tham vấn cộng đồng về công tác bảo tồn rùa biển cũng được Ban Quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm triển khai ngay tại Tân Hiệp.
Điều hết sức đáng mừng là gần 3.000 dân ngụ cư ở xã đảo 3 mặt giáp núi, 1 mặt hướng ra biển lớn này đều nhất trí đồng tình. Và chỉ chờ có thể, chàng cán bộ trẻ nay đang đảm đương chức Phó Giám đốc Ban Quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm – Nguyễn Văn Vũ dốc sức hiện thực hóa ý tưởng nuôi dưỡng bấy lâu. Đó là một kế hoạch hết sức táo bạo với hành động mang trứng rùa biển ở Côn Đảo về ấp nở tại Cù Lao Chàm.
“Một năm sau khi đề tài được cấp tỉnh phê duyệt, tôi cùng các cộng sự bắt tay ngay vào thực hiện. Khó khăn nhất là những thủ tục hành chính bởi trước Quảng Nam, chưa từng có một tỉnh – thành nào thực hiện việc mang trứng rùa từ Côn Đảo về ấp nở. Mất đúng 4 tháng, chúng tôi mới hoàn thiện hồ sơ báo cáo tỉnh, sau đó tỉnh mới trình Bộ NN&PTNT phê duyệt”, anh Vũ chia sẻ.
Theo anh Vũ, quan trọng hơn hết vẫn là sự đồng tình, sẻ chia giữa 2 tỉnh Quảng Nam và Bà Rịa – Vũng Tàu. Chính điều này đã và đang mở ra cơ hội phục hồi rùa biển ở khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Đến những cuộc chuyển rùa thú vị
Đầu tháng 8/2017, “vua rùa” Lê Xuân Ái cùng Nguyễn Văn Vũ dẫn đầu một nhóm kỹ thuật của Ban Quản lý bảo tồn biển Cù Lao Chàm, vượt quãng đường gần cả nghìn cây số từ Quảng Nam ra Côn Đảo – huyện đảo có diện tích gấp 7 lần xã đảo Tân Hiệp.
Suốt một tuần tá túc ở Côn Đảo, cả chục cán bộ của Ban Quản lý bảo tồn biển Cù Lao Chàm đón nhận những bài học đắt giá.
“Tất tần tật kỹ thuật ấp trứng, chăm sóc rùa đều được bác Ái cùng cán bộ Vườn quốc gia Côn Đảo chia sẻ nhiệt tình. Chúng tôi thực sự mở mang nhiều điều bổ ích sau chuyến học tập này”, Phó Giám đốc Ban Quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm vui vẻ nói.
Nhắc đến hành trình đưa trứng rùa biển từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm, Vũ nhìn nhận, đó là cuộc chuyển vị đầy thử thách. Bản thân Vũ và người đàn anh – Lê Xuân Ái có lẽ sẽ chẳng bao giờ quên nỗi gian nan mà mình vấp phải.
Vũ kể, giữa tháng 8/2017, đơn vị thực hiện đợt chuyển vị rùa biển đầu tiên. Đúng 5h, tàu xuất phát tại cảng Cát Lở. Tuy nhiên, cách đó 1 tiếng, “giấy thông hành” vẫn chưa được cấp vì thủ tục chưa hoàn chỉnh.
Tưởng chừng mọi việc “xôi hỏng bỏng không”, thế nhưng Vũ cùng anh em trong đoàn vẫn kiên trì trụ lại TP Vũng Tàu thêm 1 tuần để tìm cách đón bằng được “mẻ” trứng rùa mang tính lịch sử. Rốt cuộc, bao cố gắng của đoàn cán bộ Ban Quản lý bảo tồn biển Cù Lao Chàm cũng được đền đáp. Với sự giúp sức của 2 địa phương, những vướng mắc liên quan tới thủ tục cuối cùng cũng được tháo gỡ.
“Nhận 500 trứng rùa biển trên tay mà ai nấy mừng rơn. Mọi chuyện diễn ra cứ ngỡ như một giấc mơ. Ấy nhưng, việc vận chuyển cũng không hề dễ dàng. 250 trứng theo anh em đi đường bộ thì không hề hấn gì. Riêng 250 trứng đi đường hàng không bị ách lại sân bay Tân Sơn Nhất. Toàn bộ trứng theo quy định phải qua máy soi an ninh. Tuy nhiên, nếu trứng bị soi qua máy chiếu thì coi như chết phôi”, Vũ thuật lại.
Giữa lúc cả đoàn loay hoay ở sân bay bởi lý do khôn lường, “phép màu” đột nhiên xuất hiện. Và người mang đến điều kỳ diệu ấy là ông Nguyễn Sự (nguyên Bí thư Thành ủy Hội An). Đích thân ông Sự lấy uy tín ra đảm bảo để 250 trứng rùa “vượt ải” sân bay. Trải qua hành trình dài đầy chông gai, 500 trứng rùa đầu tiên chính thức về đến Cù Lao Chàm.
Sau tầm nửa tháng ấp ở Bãi Bấc (bãi nằm cách xa khu dân cư ở xã Tân Hiệp), giữa tháng 9/2017, 90% trứng rùa đua nhau nở trong niềm vui khôn xiết của cán bộ và hàng nghìn cư dân ở hòn đảo bé nhỏ này.
Cuộc chuyển vị lịch sử đầu tiên khép lại. “Chiếc chìa khóa” mở tung cánh cửa hy vọng bảo tồn, phục hồi rùa biển ở Cù Lao Chàm giờ đây đang nới rộng thênh thang.
Theo kế hoạch, từ năm 2017 đến năm 2019, Ban Quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm sẽ thực hiện tổng cộng 6 đợt chuyển vị rùa (1 năm 2 đợt, riêng đợt 1 và 2 là 500 trứng, 4 đợt còn lại là 250 trứng/đợt). Dự kiến, đợt chuyển vị rùa biển cuối cùng từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm sẽ được triển khai vào tháng 8/2019.
“Ở lần đầu chuyển vị, chúng tôi chia đôi số lượng trứng để vận chuyển bằng đường hàng không và đường bộ nhằm làm một cuộc thử nghiệm nhỏ. Kết quả, trứng được vận chuyển bằng hai đường này đều cho tỷ lệ nở như nhau”, Vũ cho biết.
bảo tồn rùa biển, cù lao Chàm, Quảng Nam