Ông Hoàng Đức Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm kỹ thuật toàn cầu Viettel (Viettel Network) - Ảnh: VGP/HM
Trao đổi với báo chí sau 1 tháng triển khai cung cấp dịch vụ 5G thương mại trong nước, ông Hoàng Đức Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm kỹ thuật toàn cầu Viettel (Viettel Network) cho biết, thiết bị đầu cuối hỗ trợ 5G ở nước ta còn hạn chế. Đây là một trong những thách thức khi triển khai mạng 5G tại Việt Nam.
Hiện nay, mới chỉ có 15% (khoảng 10 triệu) thiết bị đầu cuối hỗ trợ 5G, chủ yếu ở khu vực thành thị (chiếm 85-90%).
Hàng trăm nghìn thiết bị xách tay từ nước ngoài, đa số là smartphone, dù có phần cứng 5G nhưng do bị khoá công nghệ, không hỗ trợ 5G ở Việt Nam. Vì vậy, các thiết bị này không sử dụng được dịch vụ 5G tại Việt Nam.
Theo khuyến cáo của nhà mạng Viettel, khi mua hay "xách tay" thiết bị đầu cuối từ nước ngoài về Việt Nam, người dùng cần tìm hiểu các thiết bị đó có hỗ trợ 5G ở Việt Nam hay không, hoặc kiểm tra các thông tin về 5G trên vỏ máy, trong phần hướng dẫn sử dụng, website của hãng và phải hiển thị lựa chọn mạng 5G trong phần cài đặt.
Trong thời tới, Viettel nhận định, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ đẩy mạnh thiết bị đầu cuối 5G vào thị trường, vì vậy tỷ lệ thiết bị đầu cuối sử dụng dịch vụ 5G sẽ gia tăng nhanh.
Đại diện Viettel cũng khẳng định, sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi phủ sóng 5G, tuy nhiên ưu tiên trước những nơi có nhu cầu lớn, lượng người sử dụng nhiều mà mạng 4G chưa thể đáp ứng.
Một trạm thu phát sóng của Viettel
Ước tính, chi phí đầu tư một trạm 5G cao gấp 4-5 lần so với 4G và cần nhiều thời gian triển khai. Mạng 5G cũng sử dụng nhiều công nghệ hiện đại, cấu hình nhiều ăng-ten thu phát hơn, kéo theo kích thước, khối lượng thiết bị lớn, gấp từ 1,5-2 lần so với 4G.
Đồng thời, mức điện năng tiêu thụ của 1 trạm 5G cao gấp gần 3 lần so với 4G và phải cải tạo điện từ 1 pha lên 3 pha.
"Chính vì vậy, triển khai phủ sóng 5G diện rộng, đặc biệt ở khu vực nông thôn hiện chưa hiệu quả", đại diện Viettel chia sẻ.
Được biết, nhà mạng Viettel có 6.500 trạm 5G, bao gồm 2 công nghệ NSA (5G kết hợp 4G) và 5G SA (độc lập). Con số này vẫn còn hạn chế, chưa tương đương với số trạm 4G. Hiện, các trạm 5G được đặt tại 63 tỉnh, thành trên cả nước, nhưng tập trung ở Hà Nội, TP HCM và thủ phủ của các địa phương.
Vì sao 5G tốn dung lượng?
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm di động của Tổng Công ty viễn thông Viettel, qua 1 tháng kinh doanh thương mại dịch vụ 5G, Viettel nhận thấy tốc độ lưu lượng người dùng ở Việt Nam đang cao hơn khu vực và thế giới rất nhiều.
Trên thế giới, với 4G bình quân tốc độ lưu lượng người dùng đang 8Gb/tháng thì ở Việt Nam, khách hàng Viettel dùng 18G/tháng, với 5G khách hàng ở Việt Nam đang tiêu dùng khoảng 36-40Gb/tháng – cao gấp đôi so với 4G.
Một trong những lý do chính khiến 5G tốn dung lượng hơn là người dùng có thể trải nghiệm một số dịch vụ cần tốc độ siêu nhanh mà 4G khó đáp ứng, như xem video độ phân giải cao 4K, sử dụng ứng dụng thực tế ảo AR/VR.
Đặc biệt, tốc độ cao của mạng 5G giúp các nội dung được tải về trong thời gian rất ngắn. Theo tính toán, một bộ phim dài hai tiếng có thể được tải hết trong 10 giây.
Trước đó, ngày 15/10, Tập đoàn Viettel chính thức khai trương mạng 5G, trở thành doanh nghiệp đầu tiên cung cấp thương mại 5G chính thức tại Việt Nam.
Hiền Minh
Nguồn baochinhphu.vn
Link bài gốchttps://baochinhphu.vn/hang-tram-nghin-smartphone-xach-tay-khong-dung-duoc-5g-tai-viet-nam-102241025115809355.htm