Mạng 5G chưa ổn định, chỉ tích hợp với dòng điện thoại mới
Mới đây, một số nhà mạng đã công bố hoàn thiện và cho ra mắt mạng 5G tại Việt Nam. Theo công bố mạng 5G Viettel tại thời điểm khai trương có hơn 6.500 trạm BTS, phủ sóng 100% thủ phủ của 63/63 tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, trường đại học.
Để trải nghiệm tốc độ 5G của nhà mạng Viettel, anh Lê Hoàng Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) đã quyết định mua gói cước 5G với giá 135.000 đồng/tháng, sở hữu 4GB tốc độ cao 5G mỗi ngày. Anh Minh đã kiểm tra mạng 5G tại phố Phạm Văn Bạch (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), kết quả đo bằng ứng dụng Speed Test cho thấy tốc độ tải xuống đạt 217 Mbps và tốc độ tải lên là 15.1 Mbps. Tốc độ này có cao hơn mạng 4G song không ổn định.
Đo tốc độ mạng 5G ở các điểm có sóng.
Những ngày gần đây, điện thoại của anh Nguyễn Phúc (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) bất ngờ bắt được sóng 5G dù anh chưa đăng ký sử dụng gói cước dịch vụ. Tuy nhiên anh Phúc cho rằng, trải nghiệm ban đầu của mình với sóng 5G khi lướt video chưa được mượt, không ổn định.
Tò mò muốn thử nghiệm mạng 5G, anh Lê Hải Khôi (Nam Từ Liêm, Hà Nội) thực hiện cú pháp nhắn tin đăng ký dùng thử. Tuy nhiên chờ 2 ngày không thấy nhà mạng phản hồi, kiểm tra trên điện thoại để kết nối thì anh không tìm thấy chức năng kích hoạt mạng 5G.
Đưa ra lý giải về việc sóng 5G hiện còn đang chưa ổn định, PGS. TS Nguyễn Tiến Ban từ Học viện Bưu chính Viễn thông giải thích, trạm BTS 5G có vùng phủ sóng hẹp hơn nhiều so với 3G và 4G, đòi hỏi số lượng trạm phát sóng phải lớn hơn để đảm bảo chất lượng kết nối.
Giai đoạn đầu hệ thống chưa chưa hoạt động mượt mà, cần có thời gian để nhà mạng tiến hành điều chỉnh. Hiện nay 5G sẽ được ưu tiên triển khai ở những nơi mật độ người sử dụng lớn, đông dân cư, những nơi thưa dân việc đầu tư sẽ rất lớn nhưng hiệu quả hạn chế, đặc biệt giảm độ "xanh" bởi mạng 5G sử dụng năng lượng lớn, phát triển với trạm BTS 5G dày đặc sẽ tiêu thụ điện rất lớn, các nhà mạng phải cân đối giữ nhu cầu và khả năng phục vụ khách hàng, đi cùng với đó là mức độ tiêu tốn năng lượng cho hệ thống.
PGS.TS Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam cho biết, mạng 5G sẽ tương thích với đa phần điện thoại cao cấp trên thị trường Việt Nam hiện nay nhưng không phổ biến với điện thoại tầm trung, điện thoại cũ. Ví dụ, chỉ có những máy từ iPhone 12 series ra mắt năm 2020 trở về sau mới có hỗ trợ mạng 5G.
Nếu không chắc chắn, người dùng có thể kiểm tra thông tin cấu hình sản phẩm thông qua website của nhà sản xuất, đại lý bán hàng hay trang thông tin trực tuyến. Khi tra cứu cần chú ý đến mục Network (Mạng) có liệt kê các băng tần và công nghệ mạng mà sản phẩm tương thích.
Cách khác là xem trong phần Cài đặt (Settings) của điện thoại. Tuy mỗi hãng có một cách sắp xếp giao diện khác nhau, người dùng vẫn có thể tìm thấy thông tin cần thiết trong phần dành riêng cho Cài đặt mạng di động. Tại đây, phần "Lựa chọn kiểu mạng di động ưu tiên" (Preferred Network Type) sẽ hiển thị các công nghệ mạng viễn thông mà phần cứng có hỗ trợ như 5G, 4G, LTE, 3G... Để sử dụng 5G, người dùng cần chọn chế độ mạng ưu tiên kết nối này.
Công nghệ 5G phù hợp với ai?
Theo PGS.TS Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam, đối với việc dùng 5G cho người dùng cá nhân, còn phụ thuộc nhiều vào mục đích truy cập và nơi họ sống có cần sử dụng 5G hay không. Những người sử dụng với mục đích thông thường như lướt web, giao dịch banking thì tốc độ của 4G đã đủ đáp ứng.
Thế nhưng những người cần sử dụng tốc độ siêu cao, với dung lượng cực lớn mới cần đến tốc độ 5G. Những nơi tập trung đông người và mạng 4G không thể đảm bảo phục vụ thì khi ấy phải cần đến 5G để có tốc độ cao cho nhiều người sử dụng.
PGS.TS Hà Duyên Trung, Trưởng khoa Kỹ thuật truyền thông, Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, công nghệ 5G không chỉ giúp doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước chuyển đổi số hiệu quả mà còn thúc đẩy chuyển đổi xanh một cách bền vững.
5G có thể thúc đẩy về chuyển đổi xanh, bởi 5G cho phép tạo ra mạng lưới năng lượng thông minh, giúp quản lý sử dụng năng lượng hiệu quả hơn cũng như đưa ra các quyết định để tối ưu dựa trên mạng lưới thông minh này.
Đối với người dân, 5G có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua việc cung cấp các dịch vụ và ứng dụng mới. Ví dụ 5G có thể được sử dụng để cải thiện chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe và giao thông, giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ truyền hình trực tuyến chất lượng cao.
Đối với nền kinh tế - xã hội nói chung, 5G có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc tạo ra các ngành công nghiệp và việc làm mới. Từ đó giúp tạo ra nhiều việc làm công nghệ cao cho các kỹ sư khai thác tối đa lợi ích của công nghệ 5G.
Theo báo cáo của Liên minh Viễn thông quốc tế ITU năm 2023, bốn năm kể từ khi thương mại hóa, mạng 5G mới phủ đến 40% dân số thế giới, chưa được một nửa mức 90% của 4G. Sự phân bổ cũng không đồng đều khi châu Âu có 68% dân số được phủ sóng, châu Mỹ 59% và châu Á - Thái Bình Dương là 42%.
Thời gian phủ rộng 5G sẽ phụ thuộc vào chiến lược của từng nhà mạng, cũng như tần số mà họ đấu giá thành công. Theo một chuyên gia viễn thông có nhiều năm theo dõi thị trường Việt Nam, khi Viettel triển khai mạng 4G vào năm 2017, số lượng thiết bị đầu cuối rất phổ biến. Nhà mạng này có 36 nghìn trạm 4G, phủ rộng trên 90% dân số trên toàn quốc ngay trong giai đoạn ra mắt.
Với mạng 5G, Viettel cho biết đã lắp đặt 6.500 trạm trên cả nước, mức rất nhỏ so với hàng chục nghìn trạm 4G. Trong khi đó, Vinaphone và MobiFone chưa chính thức triển khai nên chưa công bố số lượng trạm. Lượng thiết bị đầu cuối hạn chế, khiến nhà mạng có xu hướng phủ sóng trước ở Hà Nội, TP HCM và thủ phủ của các tỉnh thành, hoặc khu công nghiệp, khu du lịch - những nơi 5G có tiềm năng kinh doanh, mang lại giá trị lớn hơn cho người dùng, khi tận dụng thế mạnh độ trễ gần bằng 0 và hỗ trợ số lượng thiết bị lớn.
Tô Hội
Nguồn suckhoedoisong.vn
Link bài gốchttps://suckhoedoisong.vn/vi-sao-chat-luong-ket-noi-mang-5g-chua-on-dinh-169241023103823959.htm