Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở ngày 1.4.2019, cả nước có hơn 96,2 triệu dân, với tốc độ tăng khoảng 1 triệu người mỗi năm. Riêng TP.HCM có hơn 8,9 triệu người nhưng dân số thực tế lên đến khoảng 13 triệu người, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư tạm trú ngắn hạn và khách vãng lai.
Bình quân cứ mỗi 5 năm, TP.HCM tăng thêm khoảng 1 triệu người, gần 200.000 người/năm, trong đó tăng cơ học khoảng 140.000 người, tăng tự nhiên với khoảng 60.000 cháu chào đời.
Hiện nay, TP.HCM có hơn 2,5 triệu hộ gia đình, tăng 1,4 lần so với năm 2009, trong đó quy mô hộ gia đình hai thế hệ (cha mẹ và con cái) có từ 2-4 người chiếm tỷ lệ cao nhất, đến 66,4%. Cạnh đó, hàng năm thành phố có khoảng 50.000 cặp kết hôn có nhu cầu tạo lập nhà ở riêng.
Trong khi đó, số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, nhu cầu nhà ở xã hội trong giai đoạn từ năm 2011-2020 của TP.HCM là khoảng 134.000 căn. Tuy nhiên, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, đến nay thành phố mới chỉ đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ. Trên thực tế, do nguồn lực ngân sách có hạn, kể cả khi thực hiện phương thức xã hội hóa thì nguồn cung nhà ở xã hội vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu nhà ở rất lớn của xã hội.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, khi thị trường bất động sản bị khủng hoảng đóng băng giai đoạn 2011-2013, để giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu và hỗ trợ người có thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/2013 với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng áp dụng từ 2013-2016. Trong đó, 70% tương đương 21.000 tỉ đồng hỗ trợ cho người mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá bán không quá 1,05 tỉ đồng và 30% gói tín dụng ưu đãi tương đương với 9.000 tỉ đồng hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, việc chấm dứt gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng đã có tác động tiêu cực, gây khó khăn rất lớn đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đã ký hợp đồng vay gói tín dụng ưu đãi, nhưng chưa giải ngân hết và người có thu nhập thấp đô thị đã ký hợp đồng, đang giải ngân dở dang.
Để giải quyết những ách tắc trong việc thực hiện nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở thiết yếu cho người dân trên địa bàn TP.HCM, HoREA đã kiến nghị Chính phủ xem xét lại quy định để Ngân hàng Chính sách xã hội cho chủ đầu tư dự án nhà nhà ở xã hội vay ưu đãi.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cơ chế xử lý trường hợp căn hộ nhà ở xã hội của dự án đã bị chủ đầu tư thế chấp tại ngân hàng thương mại khác, nhưng đối tượng thụ hưởng muốn được vay ưu đãi để mua căn hộ này tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
HoREA cũng kiến nghị người có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội có thể chọn thực hiện việc gửi tiết kiệm hàng tháng (tối thiểu đủ 12 tháng gửi tiết kiệm) kể từ thời điểm hiện nay hoặc có thể chọn gửi tiết kiệm hàng tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Khi mới cho đăng ký mua nhà ở xã hội thì những người đăng ký trước sẽ có thể được giải quyết mua nhà trước nên sẽ phải đồng thời gửi tiết kiệm mua nhà ở xã hội ngay khi ký hợp đồng mua nhà.
Đặc biệt, HoREA kiến nghị người gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội cũng được hưởng lãi suất tiết kiệm bằng mức lãi suất tiết kiệm thông thường tại các ngân hàng thương mại đối với các khoản tiền gửi trên 12 tháng, để khuyến khích đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội tham gia, tạo thêm nguồn lực thực hiện chính sách mua nhà ở xã hội. Đồng thời, xác định thời hạn gửi tiết kiệm 12 tháng là đủ điều kiện để được mua, thuê mua mua nhà ở xã hội.
Ngoài ra, HoREA cũng kiến nghị UBND TP.HCM cho thực hiện thủ tục hành chính rút gọn để giải quyết nhanh các dự án đầu tư phát triển mua nhà ở xã hội. Thành phố cũng cần miễn thủ tục cấp giấy phép xây dựng đối với dự án nhà ở xã hội sử dụng thiết kế mẫu nhà ở xã hội chung cư cao tầng đã được giải thưởng trong cuộc thi do Sở Xây dựng tổ chức; kiến nghị Nhà nước có chính sách khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các dự án nhà ở xã hội.
Phan Diệu