Quán triệt giao nhiệm vụ huấn luyện, khảo sát, vận tải trước khi tàu rời cảng.
Có mặt tại buổi giao nhiệm vụ, nghe chỉ huy tàu triển khai nhiệm vụ chuyến đi cho các thuyền viên tàu 15-11-26, chúng tôi thấy, ngoài việc thuyền viên phải nắm chắc tình hình thời tiết, thủy văn, kế hoạch, ca, kíp trực, bảo đảm thông tin liên lạc… phục vụ khảo sát khu vực đảo Cồn Cỏ, làm cơ sở thực hiện nhiệm vụ vận tải, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khi có lệnh thì một trong những yêu cầu của chuyến đi này đơn vị sẽ kết hợp huấn luyện nhiều nội dung mới và khó như: Điều động tàu trong luồng thủy hẹp tầm nhìn hạn chế; các phương pháp lái tàu tránh va trên biển; cách nhận dạng đèn, dấu hiệu, âm hiệu trên biển; phương án chiến đấu bảo vệ tàu, chống cháy nổ trên tàu…
Thấy chúng tôi băn khoăn ngoài nhiệm vụ chính là khảo sát còn gắn với một khối lượng nội dung huấn luyện lớn như vậy, Đại tá Trần Văn Chiến, Lữ đoàn trưởng giải thích: “Trước đây, do yêu cầu nhiệm vụ của Lữ đoàn nên thời gian huấn luyện trên sông, trên biển của đơn vị chưa được nhiều, ít được cọ xát với thực tế, kinh nghiệm, khả năng xử trí các tình huống hạn chế. Đối với các phân đội tàu thuyền, chúng tôi luôn quán triệt sâu sắc quan điểm công tác huấn luyện thường xuyên luôn là yếu tố then chốt, quyết định, còn huấn luyện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ sẽ góp phần nâng cao trình độ, khả năng ứng phó với thực tế cho thuyền viên. Có nội dung vừa đi, vừa triển khai huấn luyện. Có nội dung thì neo đậu ở đâu huấn luyện ở đó. Có nội dung phải tranh thủ học bù, học vét. Phải triển khai theo cách đó thì mới bảo đảm hết nội dung. Nhờ đó, hiện nay các tàu của đơn vị cơ bản đã giỏi trên sông, thông thạo đi biển”.
Thuyền viên tàu 15-11-26 huấn luyện thực hành nội dung nâng hạ xuồng
Được biết, khó khăn đặc thù trong công tác huấn luyện của Lữ đoàn là không có điều kiện huấn luyện tập trung cho tất cả thuyền viên nhưng yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm nội dung chương trình huấn luyện theo qui định nên Lữ đoàn đã xây dựng tiến trình biểu huấn luyện linh hoạt, phù hợp với thực tiễn và phù hợp với từng đối tượng. Một thực tế có thể nhận thấy là một số đồng chí máy trưởng, lái tàu đều là quân nhân chuyên nghiệp nhưng do tính chất quan trọng của bộ phận máy tàu, lái tàu, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã nâng cao trách nhiệm đội ngũ này bằng việc bổ sung họ vào ban chỉ huy tàu.
Thiếu tá QNCN Nguyễn Huy Trí, lái tàu đồng thời là thuyền phó tàu 15-11-26 cho biết: “Quá trình huấn luyện, chỉ huy các cấp luôn quan tâm tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ kiêm nhiệm như tôi những kiến thức cơ bản về phương pháp, tác phong chỉ huy theo tinh thần chung là “yếu điểm nào, bồi dưỡng chỗ đó”. Đối với các sĩ quan trẻ nắm giữ trọng trách chỉ huy tàu nhưng thiếu kinh nghiệm thực tế, họ tích cực trao đổi, học hỏi chúng tôi kinh nghiệm trên sông, biển còn chúng tôi được họ bồi dưỡng những kiến thức cơ bản”.
Huấn luyện phương án chiến đấu bảo vệ tàu.
Minh họa cho chúng tôi cách thức tổ chức huấn luyện thực tiễn đó, Thượng úy, Lê Đức Sản, thuyền trưởng lập tức phát tình huống: “Luyện tập phương án chiến đấu bảo vệ tàu”. Từ vị trí cao nhất trên ca bin, tổ quan sát báo về đài chỉ huy: “Phát hiện mục tiêu góc mạn 30, khoảng cách 2 hải lý, đang đi cắt hướng”. Lập tức các thuyền viên đến kho lấy vũ khí, trang bị, có mặt ở vị trí chiến đấu theo phương án. Tiếng loa từ đài chỉ huy vang vọng: “… chúng tôi là tàu vận tải quân sự, đang thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, tuần tra, yêu cầu tàu phía trước thực hiện đúng nguyên tắc tránh va theo Quy ước quốc tế 1972…”. Lúc này tại buồng lái, chỉ huy và các lái tàu đều có mặt để quan sát hành động xử lí tránh va trên biển của Thiếu tá QNCN Nguyễn Huy Trí. Chính nhờ có phương pháp huấn luyện thực tế này mà cơ bản đội ngũ lái tàu đều biết xử lí một số tình huống.
Với sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong công tác huấn luyện nên thời gian qua, công tác huấn luyện ở Lữ đoàn 873 đã có nhiều chuyển biến tích cực, hướng tới mục tiêu “giỏi đi biển, thuần thục trên sông”. Đó cũng chính là cơ sở để đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện thời gian tới./.