Dự án “ trang trại, kinh tế hộ” tại thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm được phê duyệt trên diện tích 21.951,2m2 với nội dung thực hiện trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh và nuôi trồng thuỷ sản. Tuy nhiên, nhiều người khá bất ngờ khi trên dự án này xuất hiện nhiều nhà xưởng được phản ánh là xây dựng sai mục đích phê duyệt.
Một phần của dự án “trang trại, kinh tế hộ”. Ảnh Vũ Hoàng.
Cuối năm 2018, UBND huyện Gia Lâm có Quyết định số 9875/QĐ-UBND phê duyệt phương án “chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo mô hình kinh tế trang trại, kinh tế hộ tại khu chăn nuôi, thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn” (Phương án) trên tổng diện tích gần 22.000 m2. Đây vốn là đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công do UBND xã quản lý. Khu đất được tổ chức đấu giá để làm mô hình kinh tế trang trại từ năm 2019. Mặc dù đã có người đấu giá trúng từ 5 năm qua nhưng theo ghi nhận của Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, hầu như không có hạng mục nào được xây dựng theo mô hình đã được huyện Gia Lâm phê duyệt. Ở đây xuất hiện nhiều xưởng, bãi trông giữa xe, nơi rửa xe...
Thực tế cho thấy, trên khu đất hầu như không có hạng mục nào theo đúng mô hình “trang trại, kinh tế hộ” đã từng được UBND huyện Gia Lâm phê duyệt. Cụ thể, không có nhà kho mái lá; ao nuôi thủy sản; nhà lưới trồng hoa, vườn cây ăn quả… như mô hình được duyệt. Thay vào đó, nhiều hạng mục công trình không có trong phương án đã lần lượt xuất hiện như nhà xưởng kiên cố; bãi để xe ô tô, rửa xe ô tô; bãi để cây cảnh, bãi đặt container làm nơi lưu trú cho công nhân…
Một người dân địa phương cho hay, việc đầu tư sản xuất nông nghiệp như trồng cam, bưởi, ổi, xoài…và nuôi cá theo phương án được duyệt sẽ không hiệu quả. Ngay từ sau khi đấu giá thành công, khu đất đã có dấu hiệu “chia khu” theo các mục đích sử dụng khác nhau.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Quyết định số 9875/QĐ-UBND của UBND huyện Gia Lâm nêu rất rõ: Nghiêm cấm việc biến đất khu vực thực hiện phương án thành đất ở, làm biến dạng đất sản xuất, sử dụng đất trái với mục đích sản xuất nông nghiệp.
Trả lời báo Công Lý, một lãnh đạo UBND xã Đa Tốn cho biết: Khu đất thực hiện Phương án chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng nêu trên đã được thành phố quy hoạch là đất cây xanh, nên nếu xây dựng sai là xã sẽ xử lý, tháo dỡ công trình ngay. Quyết định phê duyệt Phương án cho xây cái gì thì chủ đầu tư chỉ được xây cái đó.
Khi hỏi về trách nhiệm theo dõi, kiểm tra chủ đầu tư, vị này cho biết, theo quy định, UBND xã phải theo dõi, đánh giá việc thực hiện Phương án hàng năm để xem hiệu quả ra sao, có đúng quy định hay không.
Thiết nghĩ, các cơ quan chuyên môn của UBND huyện Gia Lâm, UBND TP.Hà Nội cần vào cuộc kiểm tra, xác minh việc thực hiện phương án và cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Một số hình ảnh Phóng viên ghi nhận vào chiều ngày 22/1/2024
Bãi để xe ô tô, rửa xe ô tô tại dự án. Ảnh Vũ Hoàng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!
Trao đổi với Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, Luật sư Hà Huy Phong - Phó Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam), Giám đốc Điều hành Công ty Luật Inteco nhấn mạnh, các dự án chậm tiến độ, dự án treo gây lãng phí lớn về tài chính của chính chủ đầu tư, thị trường, người tiêu dùng và của cả ngân sách Nhà nước; làm méo mó hình ảnh về môi trường đầu tư và niềm tin vào hệ thống pháp luật, khả năng thực thi pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
"Việc dự án bị chậm tiến độ cũng phần nào phản ánh thực trạng lập pháp và hành pháp của chúng ta. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhưng chưa phù hợp với thực tiễn, chưa thực sự đi vào cuộc sống, còn là lực kháng trở đối với nhu cầu tự nhiên của nền kinh tế thị trường và xã hội. Nhìn tổng quan, đó là thứ mà chúng ta đang rất yếu", Luật sư Phong nhận định.
Theo Luật sư Hà Huy Phong, chúng ta cần hoàn thiện lại hệ thống quy phạm pháp luật, bổ sung thêm các quy định cụ thể và rõ ràng hơn trong việc thu hồi dự án treo, dự án không triển khai. Trong đó làm rõ vấn đề xử lý quyền tài sản của chủ đầu tư trên đất và trách nhiệm của chủ đầu tư buộc phải thực hiện khi vi phạm nghĩa vụ về tiến độ triển khai dự án.
Nguồn Theo Minh Thường/ KTMT
Link bài gốchttps://kinhtemoitruong.vn/gia-lam-can-lam-ro-cac-cong-trinh-xay-tren-dat-du-an-trang-trai-kinh-te-ho-84896.html