(HNMO) – Tính đến 6h ngày 28-5, toàn thế giới đã có 5.778.551 người mắc Covid-19, trong đó có 356.722 ca tử vong.
Châu Mỹ
Ngày 28-5, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đánh giá, triển vọng phục hồi của Mỹ là “rất không chắc chắn” và các doanh nghiệp trên toàn quốc đang bi quan về khả năng sớm quay trở lại hoạt động bình thường như trước đây.
Kết quả khảo sát kinh doanh Beige Book dựa trên báo cáo của 12 ngân hàng khu vực thuộc Fed cho thấy, đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường việc làm tại Mỹ sụt giảm nghiêm trọng. Tính từ giữa tháng 3, số người bị mất việc làm đã lên tới gần 40 triệu, cho dù đây chỉ là mất việc tạm thời. Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều thách thức trong việc đưa nhân viên trở lại làm việc do lo ngại cho sức khỏe của người lao động và những hạn chế trong việc người lao động phải gửi trẻ khi đi làm. Vì vậy, Chương trình bảo vệ tiền lương (PPP) của chính phủ đang được coi là giải pháp nhằm giúp các công ty hạn chế hoặc tránh việc sa thải lao động.
Những số liệu kinh tế công bố gần đây cho thấy nước Mỹ gặp rất nhiều khó khăn về tỷ lệ thất nghiệp, doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp… Giới phân tích cho rằng nền kinh tế số một thế giới đang đối mặt với những khó khăn lớn và không thể phục hồi nhanh chóng, thậm chí sẽ mất nhiều tháng mới đẩy lùi được tình trạng suy giảm.
Trong một diễn biến khác tại Mỹ, Thị trưởng thủ đô Washington D.C Muriel Bowser đã ký ban hành quyết định dỡ bỏ “lệnh ở nhà” được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh và thành phố này dự kiến bắt đầu giai đoạn một của việc mở cửa trở lại, bắt đầu từ ngày 29-5 kéo dài đến hết ngày 24-7.
Mặc dù mức độ lây lan của dịch Covid-19 tại thủ đô Washington D.C chậm hơn so với các địa phương khác của Mỹ, nhưng đây cũng là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Trong phát biểu của mình, bà M.Bowser cũng thừa nhận sẽ có những rủi ro về sự gia tăng các ca nhiễm mới khi mở cửa trở lại.
Châu Âu
Chính phủ Anh đã bắt đầu cho triển khai hệ thống "xét nghiệm và truy vết” nhằm xác định và cách ly những người nhiễm vi rút SARS-CoV-2, đồng thời chuẩn bị cho việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc. Theo đó, từ ngày 28-5, bất cứ ai nghi mắc Covid-19 đều được chuyển sang chương trình "xét nghiệm và truy vết". Họ sẽ phải chia sẻ thông tin về những người đã tiếp xúc, kể cả những người đứng cách xa 2m trong vòng trên 15 phút trong hai ngày trước khi phát hiện các triệu chứng bệnh hoặc 7 ngày sau khi có triệu chứng. Những người trong diện tiếp xúc với người bệnh đều phải tự cách ly 14 ngày.
Cùng ngày, Serbia cho biết đã phong tỏa các chuyến bay đến từ Montenegro do tranh cãi liên quan đến dịch Covid-19, sau khi Montenegro từ chối mở cửa biên giới với công dân Serbia. Trước đó, Thủ tướng Montenegro Dusko Markovic đã tuyên bố hết dịch và sẽ mở cửa biên giới cho du khách từ các nước có dưới 25 ca nhiễm Covid-19/100.000 dân. Serbia, nơi tỷ lệ nhiễm thấp hơn mức trên, lại không nằm trong danh sách này.
Tại Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin ghi nhận thủ đô Mátxcơva - tâm điểm dịch Covid-19 tại nước này - đã ngăn chặn thành công "kịch bản xấu nhất" khi chính quyền thành phố đang xem xét nới lỏng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt trong nhiều ngày qua.
Thị trưởng Mátxcơva Sergei Sobyanin đề xuất kể từ ngày 1-6 tới cho phép mở lại không chỉ hoạt động bán lẻ thực phẩm mà cả các hoạt động không thuộc diện này, như các dịch vụ giặt là và các cơ sở sửa chữa. Bên cạnh đó, ông đề xuất cho phép người dân đi dạo, song vẫn đảm bảo tuân thủ một số quy định.
Điện Kremlin cùng ngày tuyên bố đại dịch Covid-19 buộc nước này phải hoãn hai hội nghị quốc tế dự kiến tổ chức tại thành phố Saint Peterburg trong tháng 7 năm nay gồm: Hội nghị thượng đỉnh Nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) và Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).