Ước tính các lệnh trừng phạt mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với Nga liên quan tới tình hình tại Ukraine từ tháng 3-2014 đã khiến nền kinh tế của liên minh thiệt hại 21 tỷ euro (khoảng 25,4 tỷ USD)/năm.
Số liệu công bố ngày 9-12 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Dusseldorf (CCI) của Đức cho biết, các biện pháp trừng phạt (của EU) đối với Nga khiến kinh tế Đức thiệt hại 5,45 tỷ euro/năm. Đối với EU, mức thiệt hại lên tới 21 tỷ euro/năm.
Giám đốc điều hành CCI, Gregor Berghausen nhấn mạnh, việc EU tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga sẽ khiến tình hình kinh tế của tất cả các bên thêm khó khăn. Nếu các biện pháp trừng phạt được siết chặt, thiệt hại tài chính sẽ tăng lên.
Ở chiều ngược lại, các hoạt động kinh doanh có thể khởi sắc hơn. Ông cho biết, Đức coi Nga là một thị trường dành cho các doanh nghiệp có quy mô trung bình và kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Nga có thể tăng 15% sau khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.
Kết quả cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo tại Munich (Đức) thực hiện theo yêu cầu của CCI cho thấy các ngành chế tạo máy, sản xuất ô tô, chế biến và hóa chất chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của các biện pháp trừng phạt.
Trong khi đó, nguồn tin giới chức châu Âu cho biết tại hội nghị thượng đỉnh ngày 10-12, các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ gia hạn các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga, vốn sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 1-2021. Thời gian gia hạn có thể là 6 tháng.
Năm 2014, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga do các sự kiện ở Ukraine và quyết định sáp nhập trở lại bán đảo Crimea. Các biện pháp trừng phạt liên tục được gia hạn sau đó.