Formosa phải chỉnh sửa, bổ sung ĐTM
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản thông báo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án của Dự án “Khu liên hợp gang thép và Cảng Sơn Dương Fomosa Hà Tĩnh giai đoạn 1-1, hạng mục đầu tư xây dựng nhà máy thép dây, hai trạm xử lý: Bùn và vật liệu chịu lửa – xỉ thép – Bổ sung công trình lò đáy quay (RHF)” tại Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh – Hà Tĩnh ngày 3/4/2021 của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Theo văn bản này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án, nhưng với điều kiện là “phải chỉnh sửa, bổ sung ĐTM của dự án”.
“Đề nghị Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh chỉnh sửa bổ sung hoặc giải trình; hoàn thiện báo cáo ĐTM của Dự án theo nội dung biên bản tại Điều 14 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5, Điều 1, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để được xem xét, phê duyệt theo quy định”, văn bản thông báo kết quả thẩm định báo cáo ĐTM dự án ghi rõ.
Trước đó, Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường gồm nhiều chuyên gia, các nhà khoa học công tác trong lĩnh vực môi trường cùng đại diện cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này đã đưa ra nhận xét nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án trên.
Các chuyên gia, nhà khoa học chủ yếu tập trung góp ý vào báo cáo đánh giá tác động môi trường ở các nội dung như: Sự phù hợp của dự án đối với chiến lược, quy hoạch phát triển do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (nếu có); sự phù hợp của các phương pháp đánh giá tác động môi trường được sử dụng; sự phù hợp của các đánh giá về lựa chọn công nghệ sản xuất, hạng mục công trình và các hoạt động của dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường; kết quả phân tích, tổng hợp số liệu về hiện trạng môi trường, kinh tế - xã hội khu vực thực hiện dự án và sự phù hợp của địa điểm lựa chọn thực hiện dự án; việc đánh giá, dự báo về nguồn thải, sự phát sinh quy mô, tính chất nguy hại; tác động của chất thải và các tác động khác của dự án đến môi trường; đánh giá dự báo các rủi ro sự cố môi trường do chất thải gây ra… Nội dung đánh giá được chia làm 3 mức: Đạt yêu cầu; có thể chấp nhận được; không đạt yêu cầu.
Chuyên gia, nhà khoa học phân vân gì?
Đáng chú ý, nội dung đánh giá về các phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường do chất thải dự án gây ra, nhận được sự quan tâm của chuyên gia, nhà khoa học.
Một số chuyên gia cho rằng, báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa dự báo được các sự cố có thể xảy ra (sự cố liên quan tới hệ thống lọc bụi…). Các yêu cầu, quy định, quy chuẩn kỹ thuật tiêu chuẩn về môi trường áp dụng đối với dự án có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, một số căn cứ pháp lý không còn phù hợp vẫn được đưa vào trong ĐTM, cần rà soát, thay đổi, bổ sung cho phù hợp. Bên cạnh đó, các phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường do chất thải của dự án gây ra được đánh giá là không đạt yêu cầu, cần bổ sung các phương án phòng ngừa ứng phó với sự cố có thể xảy ra (liên quan tới hệ thống lọc bụi...).
Hoạt động của nhà máy Formosa từng là "thủ phạm" gây ra vụ cá chết tại nhiều tỉnh miền Trung năm 2016. (Ảnh: Tuổi trẻ).
Ông Đỗ Thanh Bái - Giám đốc Trung tâm CECS/CSV cho rằng: “Về phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường do chất thải của dự án gây ra cần có đánh giá rủi ro từ các hệ thống xử lý khí thải đối với các loại chất ô nhiễm như bụi, PM10 và PM2.5, các kim loại nặng và các loại khí hữu cơ khác.
Đây là một dự án xây dựng bổ sung lò đáy quay để thu hồi Fe và Zn từ bụi và bùn bụi của các nguồn thải đã có của Formosa. Do đó cần nhận diện rõ hơn và so sánh thực chất những vấn đề về lợi ích kinh tế và môi trường khi thay đổi công nghệ. Nếu được cơ quan tư vấn, nên bổ sung phần đánh giá tác động đến môi trường khí khi bổ sung hạng mục lò đáy quay và những vấn đề rủi ro có liên quan”.
TS. Trịnh Thành - Giảng viên Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường cho rằng, cần bổ sung đánh giá rủi ro, sự cố không do chất thải gây ra như rò rỉ khí, cháy nổ.
“Cần bổ sung phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường kỹ hơn. Đặc biệt, cần bổ sung phương án phòng ngừa và ứng phó với sự cố khi hệ thống xử lý bụi không đạt yêu cầu”, TS. Trịnh Thành nêu trong báo cáo.
Trong khi đó, GS. Đặng Kim Chi - Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nhấn mạnh: "Phần dự báo và đánh giá sự cố rủi ro trong giai đoạn xây dựng, vận hành thương mại rất sơ sài cần được bổ sung thêm. Các giải pháp bảo vệ môi trường, phòng ngừa, giảm thiểu các tác động tiêu cực của các giai đoạn đã được đề xuất có tính khả thi, tuy nhiên cần được bổ sung thêm khi mô tả các nguồn phát thải cũng như các giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu tác động tiêu cực của các hạng mục đang hoạt động hiện hữu như nhà máy thép 2 dây, hai trạm xử lý bùn – xử lý vật liệu chịu lửa - xỉ thép cũng thuộc phạm vi báo cáo đánh giá ĐTM này”.
Cũng theo GS. Đặng Kim Chi: “Báo cáo ĐTM cần có dự báo đầy đủ tác động tới tài nguyên và đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên trong giai đoạn vận hành thương mại khi đã bổ sung hạng mục mới là dây truyền RHF… đặc biệt chú ý cam kết các biện pháp phối hợp quản lý bảo vệ môi trường với Ban quản lý khu liên hợp gang thép Formosa”.
Câu hỏi đặt ra là: Một số hạng mục dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua báo cáo ĐTM nói trên có phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt? Sự phù hợp của các đánh giá về lựa chọn công nghệ sản xuất, hạng mục công trình và các hoạt động dự án có nguy cơ tác động đến môi trường ra sao? Kết quả phân tích, tổng hợp số liệu về hiện trạng môi trường, kinh tế - xã hội khu vực dự án ra sao?
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này./.
BOX:
Formosa và tiểu sử gây ô nhiễm môi trường
Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh (dự án Formosa) được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 282023000001 ngày 12/6/2008, cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư 15 lần với các nội dung chính:
Tên dự án đầu tư: Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Địa điểm thực hiện dự án là Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh. Dự án có tổng diện tích sử dụng (đất liền, mặt nước) bao gồm cả hai giai đoạn là 3.318,72ha. Trong đó, diện tích đất liền là: 2.025,37ha. Diện tích mặt nước: 1.293,35ha. Tổng vốn đầu tư dự án: 10.687.052.000 USD.
Trước đó, năm 2016, Formosa từng gây ra vụ cá chết trên vùng biển cảng Vũng Áng thuộc địa phận thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Hiện tượng thủy sản chết lan sau đó trên diện rộng, bắt đầu từ vùng ven biển Hà Tĩnh, lan tiếp dọc ven biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Sự cố này đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nhất là ngành thủy sản, tiếp đến là hoạt động kinh doanh, dịch vụ, du lịch và đời sống sinh hoạt của ngư dân.
Nguyên nhân gây ra sự cố môi trường làm hải sản chết hàng loạt tại ven biển bốn tỉnh miền Trung được xác định do công ty Formosa gây ra trong quá trình vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy, đã có những vi phạm và để xảy ra sự cố, dẫn tới nước thải có chứa độc tố phenol, xyanua chưa được xử lý đạt chuẩn xả ra môi trường.
Công ty Formosa đã nhận trách nhiệm, xin lỗi Chính phủ, nhân dân và bồi thường 500 triệu USD.