Nhà máy đốt rác phát điện do Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) đầu tư xây dựng tại phường Chánh Phú Hòa, thành phố Bến Cát.
khởi động xây dựng dự án Nhà máy điện rác công suất 12MW với mức đầu tư 1.150 tỷ đồng
Theo lãnh đạo Biwase, mỗi ngày có khoảng 3.000 tấn rác thải sinh hoạt và công nghiệp được chuyển về Khu liên hợp Xử lý chất thải Bình Dương. Thay vì chôn lấp, công ty sẽ biến rác thải thành những sản phẩm hữu ích như phân bón hữu cơ, gạch, bê tông…
Hướng đi bền vững
Với hiệu quả mà dự án nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên có công suất 5MW mang lại, cùng với kinh nghiệm đã vận hành thành công nhà máy, Biwase đã có sự chuẩn bị, tiếp xúc với các nhà cung cấp thiết bị, công nghệ, giải pháp mới mang tính vượt trội - là nền tảng quan trọng để chuẩn bị đầu tư một nhà máy đốt rác công suất lớn hơn, từ 200 tấn/ngày lên đến 500 tấn/ngày, tương đương công suất phát điện 12MW.
Trải qua thời gian chọn lựa, đàm phán với nhiều đối tác, đến tháng 12/2024, Biwase đã chọn được 3 nhà cung cấp thiết bị chính cho dự án, bao gồm hạng mục Tổ máy turbine phát điện do Công ty SIEMENS (Đức) cung cấp; hạng mục Lò đốt rác do Công ty CNIM MARTIN (Pháp - Ấn Độ) cung cấp; và hạng mục nồi hơi do Công ty ISGEC (Ấn Độ) cung cấp.
Điểm đáng lưu ý, giống như dự án nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên có công suất 5MW, Nhà máy đốt rác phát điện 12 MW, công tác thiết kế, hoàn chỉnh kiến trúc, xây dựng, lắp đặt toàn bộ thiết bị, cơ khí, vận hành do đội ngũ kỹ sư của Biwase.
Trong đó, các thiết bị dự kiến sẽ được giao đến công trường từ tháng 7/2025 đến tháng 3/2026 và dự kiến sẽ hoàn tất trong 2 năm 2025-2026, dự án với tổng mức đầu tư 45 triệu USD, tương đương khoảng 1.150 tỷ đồng, xử lý 500 tấn rác/ngày và phát ra 12MW điện, là giai đoạn đầu của dự án quy mô công suất 24MW.
Với công nghệ được cập nhật mới nhất, lượng tro xỉ sau đốt được khống chế không quá 12%, thấp hơn đáng kể so với mức 16 - 17% của các nhà máy hiện có tại Việt Nam.
Cùng với đó, việc khởi công nhà máy đốt rác phát điện công suất 12 MW này cũng cho thấy nỗ lực của Biwase trong việc tối ưu hóa máy móc thiết bị, thiết kế nhà máy điện rác ở Bình Dương, giảm thiểu tác động môi trường, tro xỉ được tái chế thành vật liệu xây dựng không chôn lấp, đúng theo mô hình kinh tế tuần hoàn được Thủ tướng Chính phủ khuyến khích.
Thời gian tới, lò đốt rác sinh hoạt phát điện 500 tấn/ngày, công suất phát điện khoảng 12 MW đi vào hoạt động sẽ cung cấp đủ một phần năng lượng phục vụ hoạt động của nhà máy, một phần đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Khi đó, tỷ lệ chôn lấp chất thải trơ của Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Bình Dương sẽ dần về 0%, góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu ô nhiễm cho địa phương. Đây là một hướng đi có tính bền vững, lâu dài và mang lại hiệu quả kinh tế cao không chỉ cho doanh nghiệp, địa phương mà cả nhân dân.
Đáp ứng nhu cầu của nhân dân và hướng đến phát triển ngành Công nghiệp môi trường
Nhà máy điện rác công suất 12MW với mức đầu tư 1.150 tỷ đồng là nhà máy thứ hai được đầu tư xây dựng tại Bình Dương. Trước đó, Bình Dương đã xây dựng dự án Nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên có công suất 5MW, đưa vào sử dụng đầu năm 2024. Nhà máy cơ bản đã giảm áp lực về rác thải, biến rác thành điện và môi trường ngày càng xanh hơn cho tỉnh Bình Dương.
Dây chuyền hệ thống lò đốt rác phát điện do các kỹ sư của Biwase thiết kế, vận hành khẳng định vị thế của doanh nghiệp trong nước trước sự cạnh tranh đến từ các doanh nghiệp nước ngoài
Cùng với việc đầu tư các Nhà máy đốt rác, Biwase cũng đã đầu tư 4 nhà máy phân loại rác làm phân compost; tổ chức thu gom, xử lý nước rỉ rác bằng công nghệ RO, đạt loại A theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải bãi chôn lấp.
Tại Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương, Biwase đã đầu tư xây dựng được nhà máy tuần hoàn, từ sản xuất phân hữu cơ (sản phẩm phân bón hữu cơ Con Voi Bình Dương), đốt rác thành điện, tro trong quá trình đốt rác được tái chế để sản xuất gạch (sản phẩm gạch Biwase - Con Voi Bình Dương).
Những nỗ lực của Biwase đã cơ bản đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Bình Dương và góp phần bảo vệ môi trường toàn diện.
Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng Nhà máy điện rác, Biwase nghiên cứu, thiết kế, vận hành lò đốt rác phát điện với 100% do chuyên gia, kỹ sư của Công ty theo chu trình khép kín từ phân loại, đốt thu hồi nhiệt phát điện, làm gạch từ tro gỉ. Đây cũng là tiền đề quan trọng thúc đẩy việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ xử lý chất thải cũng như đốt rác phát điện phục vụ các khu xử lý của địa phương và hướng tới xuất khẩu. Hướng đi này tạo ra nguồn lực ổn định, hướng đến phát triển bền vững và góp phần không nhỏ vào việc phát triển ngành Công nghiệp môi trường tại địa phương, tạo ra các bài học lớn cho các doanh nghiệp muốn vươn lên trong lĩnh vực điện rác.
Phạm Kiên
Nguồn congnghiepmoitruong.vn
Link bài gốchttps://congnghiepmoitruong.vn/dot-rac-phat-dien-dap-ung-nhu-cau-cua-nhan-dan-va-huong-den-phat-trien-nganh-cong-nghiep-moi-truong-15271.html